Thứ sáu,  20/09/2024

Hội nghị trực tuyến Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022


Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến của Bộ Y tế tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

– Sáng nay (10/3), Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến “Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022.  Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị.

Hội nghị được kết nối trực tuyến với 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại điểm cầu Lạng Sơn, tham dự có đại diện lãnh đạo các sở: Y tế, Công thương, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các đơn vị, ban, ngành liên quan.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, thời gian vừa qua, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) đã được Bộ Y tế và các bộ, ngành tăng cường kiểm soát, tuy nhiên vi phạm pháp luật trong hoạt động quảng cáo TPBVSK vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội.

Tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo TPBVSK có tác dụng như: thuốc chữa bệnh, lợi dụng danh nghĩa, uy tín của các cán bộ y tế, cơ sở y tế để quảng cáo vẫn diễn ra, ảnh hưởng đến quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Trong 2 năm 2020, 2021, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã xử phạt vi phạm về quảng cáo 76 cơ sở với 94 hành vi vi phạm tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng; chuyển Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) 375 đường link quảng cáo vi phạm để phối hợp xác định chủ thể; chuyển Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) 24 đường link của sàn giao dịch thương mại điện tử quảng cáo vi phạm để xem xét, xử lý theo quy định.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra một số ý kiến về thực trạng, khó khăn trong xử lý vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng như: tình trạng quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, các website có chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài khó kiểm soát, nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục rà soát các vướng mắc, bất cập liên quan đến quy định về quảng cáo TPBVSK để sớm nghiên cứu hoàn thiện về mặt thể chế.

Các bộ, ngành, cơ quan quản lý theo chức năng nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong quản lý quảng cáo hàng hóa dịch vụ nói chung, đặc biệt quản lý hàng hóa TPBVSK nói riêng. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo TPBVSK và đăng tải công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ kiến nghị với Chính phủ chỉnh sửa Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, quy định chặt chẽ hơn điều kiện để đăng ký bản công bố sản phẩm.

Đối với từng bộ, ngành liên quan, đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị: Bộ Công thương siết chặt công tác quản lý hoạt động các sàn thương mại điện tử, hoạt động bán hàng đa cấp; Bộ Thông tin và Truyền thông làm tốt công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, xử lý nghiêm các trường hợp sai sự thật, quảng cáo khi nội dung chưa được kiểm chứng, lừa dối người tiêu dùng.

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tuyên truyền quy định của pháp luật về quảng cáo, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh, thổi phồng công dụng, nêu các thông tin chưa được kiểm chứng, quảng cáo các thông tin chưa được cơ quan chức năng kiểm duyệt gây ảnh hưởng tới sức khỏe và kinh tế cho người tiêu dùng. Bộ Công an, Cục An ninh mạng kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm để làm gương đối với các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.

Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các địa phương chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để xử lý các trường hợp vi phạm về quảng cáo TPBVSK trên địa bàn, góp phần tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các loại TPBVSK tốt nhất, đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Theo báo cáo của Sở Y tế, tại Lạng Sơn hiện không có cơ sở sản xuất, nhập khẩu thực phẩm chức năng, TPBVSK và không có cơ sở chuyên kinh doanh các mặt hàng trên. Các sản phẩm thực phẩm chức năng, TPBVSK chủ yếu được bày bán tại các nhà thuốc, quầy thuốc và bán online qua các website, zalo, facebook. Thời gian tới, các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân.
TRIỆU THÀNH - ĐẠI NGỌC