Thứ sáu,  20/09/2024

Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn – Nơi lưu giữ, phát huy giá trị các hiện vật lịch sử

– Cứ vào dịp tháng 9 hằng năm, người dân trên mảnh đất Bắc Sơn ai nấy đều háo hức hướng đến ngày kỷ niệm Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9/1940). Những ngày này, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn trở thành một điểm đến thu hút nhiều người đến tham quan bởi đây là nơi lưu giữ trang sử hào hùng của quân và dân Bắc Sơn về cuộc khởi nghĩa cách đây 82 năm.

82 năm trước, vào ngày 27/9/1940, dưới sự chỉ đạo của các đồng chí đảng viên, 600 quân khởi nghĩa đã tiến đánh đồn Mỏ Nhài, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo. Trải qua 82 năm, dấu son về cuộc khởi nghĩa ấy vẫn được lưu giữ lại qua những hiện vật, tư liệu được tập hợp và trưng bày tại Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn.

Thuyết minh viên Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn (bên phải) giới thiệu các hình ảnh, hiện vật về cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn cho du khách

Bảo tàng được khởi công xây dựng vào đầu năm 1985 tại thôn Long Hưng, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn với hình dáng và cấu trúc được mô phỏng theo ngôi nhà sàn của người dân tộc Tày. Bảo tàng được trưng bày với 3 chủ đề lịch sử xuyên suốt trong thời gian qua gồm: Bắc Sơn thời tiền sử; Khởi nghĩa Bắc Sơn; Bắc Sơn phát huy truyền thống cách mạng. Mỗi phần trưng bày như một trang sách, là dẫn chứng sinh động về công lao to lớn của thế hệ đi trước trong tiến trình đấu tranh bảo vệ, xây dựng đất nước.

Có dịp đến bảo tàng trong tháng 9 này, chúng tôi được thuyết minh viên giới thiệu về những tài liệu, hiện vật đang được trưng bày tại đây. Trong số đó, chúng tôi ấn tượng với chiếc tay nải của bà Dương Thị Bông (xã Hưng Vũ) dùng đựng lương thực. Vật dụng này dẫu đơn sơ nhưng đã được bà Bông dùng để tiếp tế lương thực cho các đồng chí cán bộ Trung ương trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Bắc Sơn. Thông qua vật dụng này cũng phần nào thể hiện sự đóng góp âm thầm của người phụ nữ Bắc Sơn cho cách mạng thuở ấy.

Không chỉ chiếc tay nải, tại đây còn trưng bày rất nhiều tài liệu, hiện vật về cuộc khởi nghĩa cũng như thời kỳ cách mạng ở Bắc Sơn. Tất cả các hiện vật được bảo quản, trưng bày khoa học. Chị Phạm Thị Thanh Hà, cán bộ bảo tàng cho biết: Bảo tàng hiện đang trưng bày trên 800 tài liệu, hiện vật, trong đó, có trên 70 tài liệu, hiện vật liên quan đến Khởi nghĩa Bắc Sơn như: Tam quyền – vũ khí tự tạo của Nhân dân Bắc Sơn đã dùng đánh đồn Mỏ Nhài; chiếc Ru-lô dùng để in tài liệu tuyên truyền cách mạng ở Bắc Sơn thời kỳ trước và sau năm 1940; súng Pạc Khoọc – chiến lợi phẩm mà chiến sĩ du kích Bắc Sơn thu được của địch tại Nà Ti, Ma Hin, xã Hưng Vũ ngày 28/9/1940; chiếc chăn của đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dùng trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Bắc Sơn…

Phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật lịch sử, Bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn đã trở thành điểm đến phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học tập, nghiên cứu. Hằng năm, bảo tàng đón hơn 7.000 lượt khách đến tham quan. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho lớp lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hằng năm, vào các ngày lễ như kỷ niệm Ngày Khởi nghĩa Bắc Sơn (27/9), các tổ chức, đơn vị, đoàn thể như các trường học, đoàn thanh niên trong và ngoài huyện thường tổ chức hoạt động về nguồn tại Bắc Sơn và đến tham quan tại bảo tàng.

Chị Nguyễn Thị Hạnh, du khách đến từ huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Là người con của chiến khu Việt Bắc, tôi đã từng biết đến cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn qua tài liệu, sách vở nhưng khi đến thăm bảo tàng và được thuyết minh viên giới thiệu, được nhìn trực tiếp những hiện vật tôi mới hình dung rõ hơn về cuộc khởi nghĩa oanh liệt này.

Ông Lương Đình Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông huyện Bắc Sơn cho biết: Những năm qua, công tác sưu tầm hiện vật luôn được đơn vị chú trọng phối hợp triển khai. Đơn cử năm 2017, bảo tàng đã bổ sung 3 hiện vật thời kỳ kháng chiến chống Pháp; 43 hiện vật thời kháng chiến chống Mỹ và 1 hiện vật văn hóa Bắc Sơn. Bên cạnh đó, năm 2020, bảo tàng đã được tu bổ một số hạng mục, qua đó, không gian bảo tồn và tái hiện lịch sử càng trở nên sinh động hơn, phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu. Để tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa, giáo dục của tư liệu, hiện vật lịch sử, chúng tôi đã và đang tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn sưu tầm tài liệu, hiện vật về nền văn hóa Bắc Sơn và cuộc Khởi nghĩa Bắc Sơn vẫn đang ở trong Nhân dân để có thêm nhiều hiện vật là minh chứng lịch sử giới thiệu đến du khách thập phương.

DƯƠNG KIM - NGỌC HIẾU