Thứ sáu,  20/09/2024

Miền Bắc chuyển lạnh, bão số 6 có thể gây giông lốc cục bộ

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, bộ phận không khí lạnh ở phía bắc đang di chuyển xuống phía nam, trong hôm nay (19/10), sẽ được tăng cường xuống Bắc Bộ và Thanh Hóa.

Miền Bắc chuyển lạnh, bão số 6 có thể gây giông lốc cục bộ - Ảnh 1.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai đã có họp bàn các giải pháp ứng phó bão số 6 vào bờ – Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Theo đó, không khí lạnh đã bắt đầu ảnh hưởng đến các tỉnh Đông Bắc Bộ, từ khoảng chiều tối và đêm nay (19/10) không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu phía tây của cơn bão số 6 khi tiến gần hơn đến đất liền sẽ gây mưa cho khu vực Đông Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa cho đến Quảng Bình.

Ông Hoàng Phúc Lâm lưu ý: Nền nhiệt độ các tỉnh Đông Bắc bộ và các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Quảng Bình giảm mạnh, có thể xuống dưới 20 độ C, nhất là các tỉnh Trung du và miền núi phía bắc.

Tuy nhiên, đợt rét này sẽ không kéo dài, khả năng từ ngày 21/10 thời tiết tiếp tục khô hanh, rõ nhất là từ ngày 22 trở đi trời nắng hanh rõ hơn. Người dân cần lưu ý sức khỏe khi thời tiết chuyển nhanh và rõ rệt; đặc biệt người già và trẻ nhỏ trong đêm nay và ngày mai khi tham gia các hoạt động hoạt động ngoài trời.

Liên quan đến việc ứng phó bão số 6 tiến gần bờ, sáng 19/10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã họp bàn các giải pháp ứng phó.

Tổng hợp thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đến sáng nay (19/10) 3 tàu cá với 33 lao động của tỉnh Quảng Ngãi đã vào tránh trú bão tại khu vực đảo Đà Lồi, quần đảo Hoàng Sa.

Các đại biểu cho rằng, tác động của không khí lạnh và hoàn lưu của bão số 6 sẽ gây mưa với các hình thái thời tiết nguy hiểm khu vực ven bờ, đặc biệt là sóng lớn và gió mạnh. Đại tá Nguyễn Đình Hưng, Trưởng phòng Cứu hộ – Cứu nạn (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) cho biết, hơn 20 nghìn tàu thuyền đã vào nơi neo đậu an toàn. Một số địa phương mặc dù không nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 6 khi đi vào đất liền nhưng số lượng tàu cá hoạt động ven bờ hiện còn rất lớn.

Trong khi đó, tác động của không khí lạnh sẽ gây mưa và gió mạnh cấp 6, cấp 7 ở khu vực ven bờ gia tăng nguy cơ mất an toàn đối với các tàu thuyền, vì vậy, cần chủ động thông báo và đảm bảo an toàn cho tàu thuyền tại nơi neo đậu.

Đại tá Nguyễn Đình Hưng cho biết: Đêm qua, các đơn vị tuyến biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi cũng đã tổ chức bắn pháo hiệu cảnh báo bão tại 22 điểm theo quy định. Hiện nay các đơn vị từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi tiếp tục duy trì trên 4 nghìn cán bộ, chiến sĩ và hơn 100 phương tiện các loại thường trực sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Căn cứ vào dự báo của trung tâm khí tượng, gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9 có nguy cơ ảnh hưởng đến các phương tiện hoạt động ven bờ. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kêu gọi các phương tiện vào neo đậu, đảm bảo an toàn các khu neo đậu.

Theo ông Vũ Xuân Thành, Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, bão số 6 mặc dù giảm cấp nhưng vẫn có thể gây ra giông lốc cục bộ, các địa phương khu vực ảnh hưởng của bão cần lưu ý đảm bảo an toàn cho các hoạt động ven bờ khi bão đi vào đất liền.

Ông Vũ Xuân Thành cho rằng mặc dù bão số 6 giảm cấp nhưng có thể gây giông, lốc cục bộ. Các địa phương đã tổ chức cấm biển, Bộ đội Biên phòng cũng đã bắn pháo hiệu nhưng hiện vẫn còn tàu cá hoạt động ven bờ, đề nghị biên phòng phối hợp với thủy sản và các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến bão, đôn đốc tàu cá hoạt động ven bờ để đảm bảo an toàn, đặc biệt phải đề phòng dông lốc có thể sẽ gây thiệt hại.

Tổng cục Thủy sản cần phối hợp với các địa phương rà soát phương án di dời người dân trên các lồng bè chòi canh nuôi trồng thủy sản khi bão gần bờ để giảm thiệt hại về người.

Theo Baochinhphu