Thứ sáu,  20/09/2024

Cử tri mong có giải pháp triệt để nhằm giải quyết những bất cập còn tồn đọng

Theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, cử tri TPHCM đánh giá các đại biểu đặt câu hỏi sâu, cụ thể và sát thực tế. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành nắm rõ vấn đề lĩnh vực mình phụ trách. Tuy vậy, các cử tri đều bày tỏ mong muốn phải có giải pháp triệt để nhằm giải quyết bất cập, hạn chế.

Cử tri mong có giải pháp triệt để nhằm giải quyết những bất cập còn tồn đọng - Ảnh 1.

Cử tri Trương Thị Ánh, nguyên Phó Chủ tịch HĐND TPHCM – Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Cử tri Trương Thị Ánh (nguyên Phó Chủ tịch HĐND TPHCM) đánh giá không khí các phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV rất thẳng thắn, các đại biểu đặt vấn đề sâu, cụ thể và sát với thực tế. Cử tri quan tâm nhất là những vấn đề liên quan đến Bộ TT&TT. Có thể thấy các đại biểu đã phản ánh được những lo lắng của cử tri về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lừa đảo qua mạng cũng như giải pháp ngăn chặn việc xâm hại thông tin cá nhân… Cử tri đang mong chờ những giải pháp quyết liệt với vấn nạn này.

Phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho thấy người đứng đầu ngành nắm rõ tình hình lĩnh vực mình quản lý. Bộ trưởng đã tiếp thu ý kiến trên tinh thần cầu thị và cũng đưa ra một số giải pháp. Tuy nhiên, mong muốn của cử tri là phải có nhiều hơn nữa những giải pháp thiết thực và hiệu quả để ngăn chặn vấn nạn lừa đảo qua mạng.

Về phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, bà Trương Thị Ánh rất đồng tình với việc phải đánh giá lại vấn đề quy hoạch, rà soát lại quy hoạch nào hợp lý, quy hoạch nào chưa và phải nâng cấp hiệu quả của công tác quy hoạch.

Đối với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, ngoài những vấn đề lớn mà các đại biểu Quốc hội nêu như chính sách tiền lương, tình trạng thiếu giáo viên ở một số địa phương, vấn đề sắp xếp cán bộ dôi dư, cử tri hy vọng sau kỳ họp này, Bộ Nội vụ sẽ có giải pháp cụ thể với đề xuất tăng biên chế cho TPHCM để phù hợp với thực tiễn khối lượng công việc và đặc thù của khu vực.

Cử tri mong có giải pháp triệt để nhằm giải quyết những bất cập còn tồn đọng - Ảnh 2.

Cử tri Trần Kim Dung – Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Cử tri Trần Kim Dung (TS. ngành văn hóa): Ngay từ đầu, Quốc hội đã đưa ra quy định rất cụ thể để phiên chất vấn có hiệu quả và trọng tâm: Thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút, đại biểu Quốc hội không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và cũng không có tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội. Các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành liên quan sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình theo sự điều hành của chủ tọa phiên họp để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn.

Quy định này giúp cho việc trả lời thắc mắc thoả đáng và rõ ràng và ở nhiều cấp độ hơn. Vai trò điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phần nào  giúp giảm bớt “không khí căng thẳng”, không xa nội dung chất vấn và đảm bảo đúng thời gian quy định.

Các vấn đề được Quốc hội chọn đưa vào nội dung chất vấn rất thời sự, thiết thực, được nhiều người dân quan tâm. Các câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội chứng tỏ họ nắm vững vấn đề quan tâm và sâu sát người dân, nắm bắt thực tiễn. Các câu trả lời đã hướng vào trọng tâm, không lan man và thoả mãn được phần nhiều thắc mắc. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề trả lời chưa sâu và phần nào cũng còn chưa thuyết phục. Các câu hỏi cũng có những câu hơi dài, chưa tập trung.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị là người trả lời mở đầu phiên chất vấn. Tuy lần đầu đăng đàn, phải trả lời chất vấn của 36 đại biểu và một đại biểu tranh luận trực tiếp nhưng Bộ trưởng đã giải trình được về cơ bản các vấn đề được chất vấn, đồng thời đề xuất được một số giải pháp khắc phục.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu quan tâm. Trong đó có việc xây dựng hệ thống dữ liệu về quy hoạch quản lý phát triển đô thị, hướng tới ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch quản lý phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ cập nhật các đồ án quy hoạch lên Cổng thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam. Những vấn đề nhiều năm nay người dân mong mỏi.

Thông tin, truyền thông, không gian mạng… là những vấn đề “nóng” người dân rất quan tâm. Trong giải trình của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận tình trạng thông tin giả, tin lừa đảo, kích động… trên các nền tảng thông tin ngày càng nhiều trong thời gian gần đây.

Bộ TT&TT đã triển khai hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật: định nghĩa các hành vi, quy định quy trình xử lý, mức phạt và cơ chế để lực lượng công an xử lý. Công khai các đầu số điện thoại (156, 5656) tiếp nhận phản ánh vi phạm.

Nhưng như đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) nhấn mạnh trên mạng sẽ khác ở ngoài đời. Nếu chỉ dùng biện pháp ngăn chặn và xử lý những tài khoản vi phạm là chưa đủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phát biểu giải trình thêm của mình đã làm rõ nhiều bất cập trong thực tế và đưa ra những giải pháp xử lý thuyết phục.

Cử tri mong có giải pháp triệt để nhằm giải quyết những bất cập còn tồn đọng - Ảnh 3.

Cử tri Phạm Minh Hoàng, Đoàn Luật sư TPHCM – Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Cử tri Phạm Minh Hoàng (Đoàn Luật sư TPHCM): Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế – xã hội 10 tháng năm 2022 qua phần giải trình của Thủ tướng Phạm Minh Chính cho thấy công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ có hiệu quả, linh hoạt trong bối cảnh thế giới nhiều bất ổn như hiện nay.

Bên cạnh đó, phần báo cáo của Thủ tướng đã bao quát được những vấn đề nổi cộm mà đại biểu Quốc hội, đồng bào, cử tri quan tâm như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, thị trường xăng dầu, giải ngân đầu tư công.

Về giải ngân đầu tư công, Thủ tướng đã nêu rõ tình trạng giải ngân đầu tư công còn chậm và quyết tâm chỉ đạo tháo gỡ ngay những vướng mắc để thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Tuy nhiên, hình hiện nay những yếu tố tác động từ bên ngoài đang gây áp lực lên giải ngân đầu tư công trong nước. Vì vậy, cử tri trông chờ giải pháp cụ thể của Chính phủ trong thúc đẩy giải ngân đầu tư công những tháng còn lại của 2022 và cả năm 2023.

Liên quan đến hoạt động của thị trường chứng khoán thời gian qua, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng tăng trưởng nóng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, do vậy cần phải sửa Luật Chứng khoán. Cử tri hoặc nhà đầu tư chứng khoán sẽ mong chờ thông điệp chỉ đạo quyết liệt hơn, ví dụ đề nghị ngay kỳ họp này Quốc hội thảo luận sửa đổi Luật Chứng khoán và trong thời gian chờ sửa đổi luật thì có cơ chế tạm thời như thế nào đó để ngăn chặn các hành vi thao túng thị trường cũng như bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.

Cử tri Phạm Minh Hoàng đánh giá cao phần chất vấn Bộ trưởng Bộ TT&TT khi bao quát rất nhiều vấn đề nóng của xã hội. Thứ nhất là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số; thứ hai là quản lý các thuê bao đầu số của các nhà mạng, trang mạng và các nền tảng trực tuyến khác, cũng như việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trạng mạng thông tin điện tử và hành vi thu thập, mua bán trái phép dữ liệu cá nhân.

Phần trả lời của Bộ trưởng là những vấn đề cơ bản. Mặc dù vậy, cử tri mong chờ những giải pháp căn cơ, rõ ràng nhằm giải quyết triệt để những bất cập ấy.

Theo Baochinhphu