Thứ sáu,  20/09/2024
Tràng Định:

Trăn trở bảo tồn nhà cổ

LSO-Hiện nay, trên địa bàn huyện Tràng Định còn không ít những ngôi nhà cổ với nét kiến trúc độc đáo, được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ trước. Gần 10 thập kỷ trôi qua, nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, áp lực về nhà ở và đời sống sinh hoạt đang khiến người dân sở hữu những ngôi nhà này đứng giữa chọn lựa “giữ” hay “bỏ” những ngôi nhà cổ để xây nhà mới.

Ngôi nhà cổ của ông Nguyễn Văn Bảng, thôn Nà Cạn, xã Đại Đồng

Đến thôn Nà Cạn, xã Đại Đồng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ kính của những dãy nhà cổ, mọi người có cảm giác như đang đi dạo trong một khu phố cổ nào đó. Mặc dù cuộc sống hiện đại đã len lỏi vào các bản làng, thế nhưng vẫn còn khá nhiều ngôi nhà cổ giữ được nguyên vẹn kiến trúc cổ xưa của nó.

Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Bảng (sinh năm 1932), thôn Nà Cạn, xã Đại Đồng là một trong những ngôi nhà như vậy. Năm nay, ông Bảng 86 tuổi, tuổi của ngôi nhà và tuổi của ông không chênh nhau là mấy. Ông Bảng cho biết: Ngôi nhà này được xây vào năm 1935, từ thời Pháp thuộc, mang kiểu kiến trúc phương Tây, nhà rộng 3 gian, có 2 lò sưởi ở góc nhà. Hiện nhiều người trẻ và du khách nước ngoài thường hay ghé vào tham quan, chụp ảnh. Đây là lịch sử, là kỷ niệm cha ông để lại nên tôi vẫn thường dặn dò con cháu phải gìn giữ, không được phá bỏ.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, những ngôi nhà này thường có từ 3 đến 5 gian với hiên vòm độc đáo, có kiến trúc theo kiểu Pháp, được xây dựng từ những năm 1930, 1935, 1939… Kiến trúc chung của những ngôi nhà này thường có bố trí lò sưởi trong nhà, tường nhà vẽ các họa tiết trang trí, cửa sổ và cửa ra vào hẹp nhưng kiên cố. Nhiều ngôi nhà được xây có  tường dày 3 lớp bằng gạch đỏ; kèo và li – tô, hoành của ngôi nhà được làm bằng gỗ nghiến, nhà lợp ngói âm dương nên mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát mẻ. Nhiều vị cao niên trong làng cho biết, vào thời kỳ đó phải những gia đình có chức sắc, có điều kiện mới có thể xây dựng được những ngôi nhà theo lối kiến trúc này.

Trải qua thời gian, do lâu ngày không được sửa chữa nên nhiều ngôi nhà đã xuống cấp, nền gạch bị nứt, các đầu kèo bị mối mọt… nhiều thế hệ gia đình cùng sinh sống trong một ngôi nhà làm không gian sinh hoạt trở nên chật hẹp nên người dân hiện đang rất phân vân trong việc giữ lại hay phá bỏ những ngôi nhà này để làm nhà mới.

Ông Bế Tuấn Đạt, thôn Hang Đông, xã Chi Lăng cho biết: Trong làng hiện vẫn còn vài ngôi nhà cổ còn bảo lưu được nét độc đáo xa xưa để lại. Tuy nhiên, số phận những ngôi nhà này không biết sẽ đi về đâu khi chúng tôi tuổi già sức yếu, không ai trông coi. Các con trẻ ai nấy đều lập gia đình rồi có ý định phá bỏ nhà cũ, xây nhà mới cho khang trang.

Ông Đặng Minh Tâm, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện còn khoảng 20 ngôi nhà cổ được xây dựng từ thời Pháp thuộc, rải rác ở các xã: Chi Lăng, Đại Đồng, Tri Phương… Những ngôi nhà cổ không chỉ đẹp về đường nét, kiến trúc mà còn chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, hiện nay, huyện chưa có chính sách bảo tồn những ngôi nhà cổ này. Thời gian tới, phòng sẽ ban hành công văn gửi các xã rà soát những ngôi nhà cổ để phòng thống kê cụ thể và xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND huyện về bảo tồn những ngôi nhà cổ này. Trước mắt phòng làm tốt công tác tuyên truyền các gia đình đang có nhà cổ chỉ nên trùng tu, tôn tạo lại chứ không phá bỏ.

KIM HUYÊN