Thứ năm,  19/09/2024

Cựu chiến binh Chi Lăng: Tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế

– Nhằm vận động hội viên cựu chiến binh (CCB) phát huy ý chí tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, các cấp hội CCB huyện Chi Lăng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.

Ông Vi Xuân Trường, Chủ tịch Hội CCB huyện Chi Lăng cho biết: Toàn hội hiện có 22 cơ sở hội với trên 3.300 hội viên, sinh hoạt tại 161 chi hội. Xác định phát triển kinh tế là một trong những giải pháp quan trọng giúp nâng cao chất lượng đời sống cho hội viên, những năm qua, Ban Chấp hành hội đã triển khai phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đến toàn thể hội viên, luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên vay vốn để khởi nghiệp, đầu tư vào mô hình kinh tế; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi; vận động hội viên nêu cao tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn…

Cán bộ, hội viên CCB xã Chi Lăng trao đổi về sản phẩm từ mô hình kinh tế sản xuất miến dong

Theo đó, các cấp hội đã quan tâm, tạo điều kiện để hội viên được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Hiện 22 cơ sở hội đang quản lý 33 tổ tiết kiệm và vay vốn, từ năm 2017 đến nay đã có gần 1.900 lượt hộ hội viên được vay vốn với tổng dư nợ trên 60,8 tỷ đồng. Nguồn vốn vay được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, mỗi hội viên vay từ 20 đến 50 triệu đồng để mua giống cây, con, phân bón, trang thiết bị phục vụ cho lao động, sản xuất…

Cùng đó, 100% cơ sở hội đã xây dựng quỹ hội để tạo nguồn vốn xoay vòng hỗ trợ hội viên làm kinh tế; một phần quỹ hội dùng để thăm hỏi, động viên hội viên ốm đau, khi có việc hiếu, hỷ… Đến hết năm 2022, tổng nguồn quỹ của hội trên 1,4 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến nay, nguồn quỹ đã tạo điều kiện cho gần 500 lượt hội viên vay với lãi suất thấp hoặc không tính lãi để phát triển kinh tế.

Ngoài được hỗ trợ vay vốn, hội viên CCB trên địa bàn huyện còn được các cấp hội tạo điều kiện để học tập các kiến thức, kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất kinh doanh… Hằng năm, Huyện hội phối hợp với Hội Nông dân huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn… tổ chức từ 6 đến 8 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về giống, cây trồng, vật nuôi, kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả… cho hơn 1.100 lượt hội viên.

Ông Nguyễn Chí Nuôi, CCB khu Than Muội, thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Năm 2002, tôi trồng khoảng 400 cây na để phát triển kinh tế, năm 2006 sản xuất thêm măng ớt để bán. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên  hiệu quả kinh tế không cao. Được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên tôi đã ứng dụng vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần đem lại thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Cùng với hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, các cấp hội cũng quan tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hội viên. Tính đến hết năm 2021, toàn huyện đã không còn hộ hội viên CCB có nhà dột nát. Tuy nhiên, trận mưa lũ hồi tháng 5/2022 đã gây thiệt hại không nhỏ cho người dân trên địa bàn huyện, trong đó gây hư hỏng 5 nhà của hội viên CCB. Trước tình hình đó, ngay trong năm, các cấp hội đã vận động hội viên quyên góp, giúp đỡ hội viên khắc phục hậu quả, xây sửa lại nhà cửa.

Ông Hoàng Văn Lâm, Chủ tịch Hội CCB xã Chi Lăng cho biết: Đợt mưa lũ hồi tháng 5/2022 đã khiến ngôi nhà của hội viên Hoàng Thị Luyến, thôn Làng Cằng bị đổ sập hoàn toàn. Để giúp đỡ hội viên, chúng tôi đã vận động hội viên hỗ trợ bà Luyến sắp xếp, vận chuyển đồ đạc đến khu vực an toàn, đồng thời vận động hội viên, các nhà hảo tâm đóng góp được 18,5 triệu đồng, Trung ương Hội CCB hỗ trợ 5 triệu đồng để giúp hội viên xây nhà mới. Hiện hội viên Luyến đã có ngôi nhà mới, khang trang rộng 50 m2, toàn hội hiện cũng không còn nhà dột nát nào.

Nhờ triển khai hiệu quả các hình thức hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, đời sống của hội viên CCB đã ngày càng được nâng lên, nhiều hội viên đã từng bước vươn lên làm giàu chính đáng. Hiện toàn hội có trên 430 mô hình kinh tế hiệu quả do hội viên CCB làm chủ (tăng 324 mô hình so với năm 2017). Các mô hình mang lại thu nhập từ 100 đến 500 triệu đồng/năm/mô hình, qua đó tạo việc làm ổn định cho gần 1.500 lao động địa phương; số hộ hội viên nghèo, cận nghèo giảm trên 2%/năm, năm 2017, toàn hội có 432 hộ CCB nghèo (chiếm 13,72%) đến năm 2022 giảm còn 161 hộ (chiếm 4,8%)…

“Hội CCB huyện Chi Lăng đã triển khai và thực hiện tốt phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, là một trong 2 hội trực thuộc (cùng với Hữu Lũng) có số mô hình kinh tế hiệu quả nhiều nhất trong toàn tỉnh. Qua thực hiện tốt phong trào đã góp phần nâng cao đời sống cho hội viên và cùng Hội CCB toàn tỉnh đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh”.

Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội CCB tỉnh

DƯƠNG KIM