Thứ sáu,  20/09/2024

Ngăn chặn thuốc giả, kém chất lượng: Đồng bộ, quyết liệt

– Trước nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong việc sử dụng các sản phẩm thuốc để bảo vệ và nâng cao sức khỏe, nhiều đối tượng đã kinh doanh một số loại thuốc giả, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm.

  Tập trung chỉ đạo, tuyên truyền

Là tỉnh miền núi, biên giới, Lạng Sơn có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển thương mại biên giới, song cũng tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng để buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, trong đó có các loại dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra Nhà thuốc Đăng Khoa, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn

Để đảm bảo sức khỏe người dân, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để ngăn chặn thuốc giả, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng xâm nhập, lưu thông trên thị trường. Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 24/1/2017 về “Tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả giai đoạn 2016 – 2021”; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 108/KH-UBND ngày 12/7/2018 về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền… Mới đây nhất, ngày 14/12/2022, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1510/UBND-KGVX về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc. Theo đó, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục siết chặt các biện pháp quản lý Nhà nước, đảm bảo chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Dòn, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Hữu Lũng cho biết: Nhằm ngăn chặn và phòng ngừa việc sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng, văn phòng đã tham mưu UBND huyện ban hành Văn bản số 2024/UBND-VP ngày 16/12/2022 về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra chất lượng thuốc, đấu tranh chống thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc; đề nghị các lực lượng liên quan tăng cường điều tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ vi phạm về buôn bán, nhập khẩu, vận chuyển, tiêu thụ thuốc giả, xử lý các đường dây, các cơ sở buôn bán thuốc giả; thiết lập và công bố các đường dây nóng (điện thoại, email hoặc fax) để tiếp nhận các thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về các hành vi buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

Cùng với huyện Hữu Lũng, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cũng chủ động triển khai các biện pháp đồng bộ, thiết thực để quản lý chất lượng thuốc trên địa bàn. Trong đó, chú trọng tuyên truyền phổ biến cho cán bộ y tế và người dân về nguy cơ và tác hại của thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc; các biện pháp phòng, chống việc mua bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc. Việc tuyên truyền được thực hiện đa dạng bằng nhiều hình thức như: phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn; tuyên truyền lồng ghép qua các cuộc thanh, kiểm tra của lực lượng chức năng;  phát tờ rơi; cập nhật bài viết lên cổng thông tin điện tử của các huyện, thành phố, các ngành…

Từ năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc kiểm tra được 10.537 lượt tổ chức, cá nhân; thông qua phương tiện thông tin đại chúng 365 lượt, thông qua phát tờ rơi khuyến cáo được 3.015 lượt; tuyên truyền thông qua hình thức khác như niêm yết đường dây nóng, thông qua trang thông tin điện tử… được 1.390 lượt. Từ đó nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân và người tiêu dùng, không sản xuất, kinh doanh và lựa chọn sử dụng các loại thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

  Quyết liệt ngăn chặn, xử lý

Theo báo cáo của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 487 cơ sở dược tư nhân, trong đó, có 329 quầy thuốc, 147 nhà thuốc, 5 cơ sở bán lẻ dược liệu, 6 cơ sở bán buôn thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền.

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tại Phòng khám Nha khoa số 20 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn

Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Thời gian qua, Sở Y tế đã ban hành kế hoạch chỉ đạo hệ thống y tế công lập, tư nhân rà soát, có biện pháp đảm bảo số lượng, chất lượng thuốc; tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh và các cơ sở kinh doanh kiểm soát tốt chất lượng đầu vào của thuốc. Đồng thời, thiết lập và công bố các đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh của các tổ chức, cá nhân về các hành vi sản xuất, buôn bán, sử dụng thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng, kiên quyết không để thuốc giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường.

Theo đó, công tác kiểm tra, thanh tra được Thanh tra Sở Y tế thực hiện thường xuyên, liên tục. Trung bình mỗi năm, Sở Y tế tổ chức từ 6 đến 10 cuộc kiểm tra với trên 100 cơ sở dược tư nhân. Đồng thời, ban hành cập nhật lên Cổng thông tin điện tử của sở gần 200 văn bản thông báo về việc thu hồi, niêm phong, đình chỉ lưu hành hơn 500 loại thuốc, mỹ phẩm giả, nghi ngờ giả, không rõ nguồn gốc… Gần đây nhất, ngày 15/3/2023, Sở Y tế đã ban hành văn bản niêm phong thuốc không đủ chất lượng (theo kết quả lấy mẫu kiểm nghiệm tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh) đối với thuốc Tetracyclin TW3 được bày bán tại Quầy thuốc Sen Việt (khối 7, thị trấn Cao Lộc).

Cùng với ngành y tế, các lực lượng chức năng khác như: công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường cũng tích cực vào cuộc, triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm quản lý hoạt động xuất nhập khẩu dược liệu qua cửa khẩu, chất lượng thuốc được bày bán trên thị trường. Từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được hơn 4.700 cuộc, xử phạt vi phạm hành chính 10 vụ với số tiền trên 64 triệu đồng và thu giữ được 2.024 kg nguyên liệu, sản phẩm thuốc Bắc (đương quy, đẳng sâm, cam thảo, xạ cam, hồng hoa, độc hoạt) và một số thuốc tân dược (270 hộp thuốc liên hoa thanh ôn, 400 hộp thuốc điều trị cảm cúm, 10 tuýp thuốc xịt trị bệnh xoang)… không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng giá trị hơn 310 triệu đồng.

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết: Để ngăn chặn thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc kém chất lượng lưu thông trên thị trường, hằng năm, chúng tôi chỉ đạo các đội quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc. Không chỉ kiểm tra trực tiếp mà chúng tôi còn kiểm tra, xử lý trong hoạt động thương mại điện tử. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường đã lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn và cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc tân dược và vật tư y tế ký cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh thuốc, dược liệu, vị thuốc và niêm yết số điện thoại đường dây nóng tại các cửa hàng bán lẻ thuốc để tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về các hành vi vi phạm hành chính của các cơ sở kinh doanh.

Với sự quyết liệt của các cấp, ngành chức năng, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc, dược phẩm, vật tư y tế trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Bà Hà Thị Lan Phương, chủ nhà thuốc Đăng Khoa, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Chúng tôi luôn quan tâm thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình từ việc tiếp nhận đến các điều kiện bảo quản thuốc, tuyệt đối không mua, bán thuốc giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vì như thế sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng điều trị bệnh và giảm uy tín của cửa hàng.

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, ngành, lực lượng chức năng, nhận thức, ý thức của các tổ chức cá nhân kinh doanh và người dân trên địa bàn đối với các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng được nâng cao. Từ đó góp phần đảm bảo thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

NGỌC HIẾU - TRIỆU THÀNH