Thứ tư,  18/09/2024

Phòng chống tác hại của thuốc lá: Cần sự chung tay của cộng đồng

– Theo báo cáo của Bộ Y tế, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá (trung bình mỗi ngày có hơn 100 người chết vì thuốc lá). Nếu không can thiệp kịp thời, ước tính số ca tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào năm 2030.

Hút thuốc lá ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người, trong khói thuốc lá có đến 7.000 chất hóa học độc hại, trong đó có gần 70 chất gây bệnh ung thư… Khi hút, khói thuốc hít vào sẽ đưa các chất độc hại này vào trong cơ thể con người. Các chất độc tích tụ, phá hủy dần các tế bào trong cơ thể, gây nên những bệnh nguy hiểm như các bệnh về phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư ở các bộ phận khác của cơ thể, gây vô sinh….

  Thuốc lá – kẻ giết người thầm lặng

Ngày 26/5/2023, chúng tôi có mặt tại Khoa Bệnh phổi, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn. Tại đây, hiện có 70 bệnh nhân điều trị các bệnh: viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi… Các trường hợp trên đều có tiền sử hút thuốc lá lâu năm hoặc có người nhà hút thuốc. Bác sĩ Phương Văn Hưởng, Trưởng Khoa bệnh Phổi cho biết: Qua các nghiên cứu khoa học về bệnh COPD đối với các bệnh nhân điều trị tại khoa thì có đến 80% bệnh nhân mắc COPD có thói quen hút thuốc lá; tỉ lệ bệnh nhân điều trị các bệnh về phổi có liên quan đến hút thuốc lá thụ động (bạn bè, người thân hút thuốc) chiếm 10%.

Cán bộ Trung tâm Y tế Hữu Lũng tuyên truyền về tác hại của thuốc lá cho người dân

Để giúp bệnh nhân từ bỏ thành công thói quen hút thuốc lá, xây dựng môi trường bệnh viện không khói thuốc, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các hình thức như treo băng rôn, bảng biển về tác hại của thuốc lá, bảng cấm hút thuốc lá được bố trí ở tất cả các phòng bệnh, hành lang, phòng làm việc. Hiện nay, bệnh viện này có 2 băng rôn khổ lớn, 40 bảng tuyên truyền tác hại của thuốc lá và gần 80 bảng cấm hút thuốc lá.

Ông Hoàng Văn Pít, 63 tuổi, thôn Hợp Nhất, xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình đang điều trị tại Khoa Bệnh phổi, Bệnh viện phổi Lạng Sơn chia sẻ: Tôi đã hút thuốc lá hơn 30 năm, đến năm 2017, tôi đi khám và phát hiện mình bị bệnh COPD nên từ đó tôi đã bỏ thuốc. Hiện nay, sau 6 năm bỏ thuốc lá kết hợp với điều trị, tôi thấy sức khỏe mình tốt hơn trước nhiều.

Bên cạnh thuốc lá truyền thống, gần đây đã có nhiều loại thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) đã xâm nhập vào thị trường, đối tượng dùng chủ yếu là giới trẻ. Thuốc lá thế hệ mới đều có chứa các thành phần hóa chất độc hại cho sức khỏe như thuốc lá truyền thống. Khói thuốc lá thế hệ mới có chứa các chất gây ung thư, làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi, bệnh COPD… ở người sử dụng. Đồng thời, sử dụng thuốc lá điện tử làm gia tăng tỉ lệ nghiện thuốc lá và sử dụng các chất gây nghiện khác.

Thực tế trên cho thấy, khói thuốc lá truyền thống cũng như thuốc lá thế hệ mới không chỉ gây tác hại đối với người hút mà còn cả những người sinh sống trong môi trường có khói thuốc. Do đó, những năm qua, các cấp, ngành chức năng đã chủ động triển khai các biện pháp để ngăn chặn tác hại của khói thuốc đến sức khỏe của cộng đồng.

  Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức

Những năm qua, công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của thuốc lá được các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh qua các hình thức tuyên truyền sâu rộng. Bên cạnh đó, các đơn vị thường xuyên đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế của các cơ quan, đơn vị; thành lập và tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành hoặc lồng ghép việc kiểm tra thực hiện Luật PCTHTL vào chương trình, kế hoạch kiểm tra của các cơ quan, tổ chức…

Cán bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn khám và điều trị cho bệnh nhân

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo (BCĐ) PCTHTL tỉnh, từ năm 2022 đến nay, hoạt động tuyên truyền về Luật PCTHCTL được các đơn vị đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, đăng tải trên 700 tin, bài, ảnh, phóng sự về PCTHTL trên Báo Lạng Sơn, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh, các trang thông tin của các sở, ngành; trên 1.000 buổi phát song trên hệ thống đài phát thanh, truyền thanh từ tỉnh đến cơ sở về PCTTHL.

Cùng với đó, hoạt động tuyên truyền trực tiếp cũng được đẩy mạnh tại các khu dân cư và trường học. Cụ thể, toàn tỉnh đã tổ chức thực hiện trên 2.500 buổi tuyên truyền trực tiếp cho hơn 300.000 lượt người nghe; hơn 8.000 buổi tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp cơ quan, đơn vị, họp thôn, khối phố, thu hút trên 600.000 lượt người tham dự; 96 cuộc tuyên truyền lưu động tại 116 khu phực xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; cấp phát 5.000 tờ rơi, treo hơn 2.000 băng rôn, pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Đặc biệt, công tác phòng chống tác hại thuốc lá được các cơ quan, tổ chức, đoàn thể triển khai hiệu quả. Ông Lý Đức Thanh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Nhận thức được tác hại của thuốc lá với sức khỏe, hằng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tổ chức Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5), tuần lễ Quốc gia không thuốc lá với trên 90% công đoàn cơ sở tổ chức tuyên tuyền tác hại của thuốc lá gắn với triển khai các hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Năm 2022 có 73,63% công đoàn cơ sở đăng ký xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc; 4.469 đoàn viên, người lao động đang sử dụng thuốc lá tại 834 công đoàn cơ sở được tuyên truyền, vận động cai thuốc lá, 3.495 đoàn viên, người lao động đăng ký cai thuốc lá.

Các tổ chức, đoàn thể đã tổ chức thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại thuốc lá lồng ghép, gắn liền với phong trào thi đua xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” tại các xã, phường, thị trấn được 4.897 cuộc; trên 200.000 người ký cam kết không hút thuốc lá…

Ông Nguyễn Thế Toàn, Phó Trưởng BCĐ PCTHCTL tỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác PCTHCTL, BCĐ tỉnh tiếp tục chỉ đạo BCĐ các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật PCTHCTL; tác hại của thuốc lá; lợi ích của môi trường không khói thuốc với nội dung đa dạng, phong phú, thiết thực, phù hợp với từng đối tượng; tiếp tục duy trì và phát triển mô hình môi trường không khói thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị…

Để bảo vệ sức khỏe của bản thân và những người xung quanh, việc từ bỏ thuốc lá là rất cần thiết và việc bỏ thuốc lá đòi hỏi sự quyết tâm rất lớn của mỗi người.

TRIỆU THÀNH - NGỌC HIẾU