Thứ sáu,  20/09/2024

Chủ động đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa bão

–  Trong những năm qua, vào mùa mưa bão, nhiều tuyến giao thông trong tỉnh bị ngập úng, sạt lở gây cản trở việc đi lại của người dân và mất an toàn giao thông (ATGT). Nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão năm nay, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã sớm xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương để đảm bảo ATGT trên các tuyến.


Máy xúc của Công ty Cổ phần QL&XDGT Lạng Sơn xử lý sự cố sạt đất tại km 73+500 trên tuyến quốc lộ 1B

Mạng lưới đường bộ trên địa bàn tỉnh có tổng chiều dài khoảng 14.119 km, gồm có 64 km đường cao tốc; 7 đoạn tuyến quốc lộ dài 648 km; 23 tuyến đường tỉnh dài 714 km; 110 tuyến đường huyện dài 1.400 km; hơn 11.000 km đường giao thông nông thôn các loại và 126,3 km đường tuần tra biên giới. Tuy nhiên, một số tuyến đường còn thấp, nền, mặt đường nhỏ hẹp, có một số cầu yếu, mái ta luy dốc dễ bị sạt lở gây mất ATGT khi có mưa, bão xảy ra.

Đơn cử như đợt mưa kéo dài cuối tháng 6/2023 đã gây ra ngập úng cục bộ, ách tắc giao thông, nứt lún mặt đường, sạt lở ta luy tại nhiều tuyến đường. Cụ thể, trên các tuyến quốc lộ: 1B, 279, 4A và đường tỉnh: 226, 227, 230… đã ghi nhận hơn 20 vị trí sạt lở với khối lượng đất, đá ước khoảng 3.000 m3. Ngay sau khi phát hiện các vị trí sạt lở, các đơn vị được giao quản lý, duy tu đã thực hiện ngay các công việc đảm bảo giao thông bước 1 để đảm bảo cho người và phương tiện lưu thông an toàn.

Ông Vi Văn Dân, Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng giao thông (QL&XDGT) Lạng Sơn cho biết: Công ty thực hiện nhiệm vụ quản lý 3 tuyến quốc lộ (1B, 4A, 279) với chiều dài 256 km, 8 tuyến đường tỉnh (226, 227, 230, 231, 232, 233, 239, 240) với tổng chiều dài 242 km và một số tuyến đường huyện, đường nội thị… với tổng chiều dài gần 200 km. Trước mùa mưa bão năm nay, công ty đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, nhân viên phụ trách các tuyến đường tổ chức tuần đường, tiến hành kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện những hư hỏng để tiến hành sửa chữa ngay. Đồng thời, chuẩn bị máy móc, thiết bị, vật tư như: ô tô các loại, máy xúc, máy lu, máy cưa cầm tay, gần 450 rọ sắt, đá hộc, đá dăm; tại mỗi hạt trực thuộc đã chuẩn bị 2 – 3 cặp biển báo các nội dung “Đi chậm”, “Đường hẹp”, “Công trường”, “Đá lở”,  20 – 30 cột tiêu di động, băng chắn công trường 5 – 20 cuộn, quần áo phản quang 5 bộ… để sẵn sàng ứng phó kịp thời khi xảy ra sự cố.

Tương tự, Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng và Thương mại số 909, có địa chỉ tại quận Hà Đông, thành phố Hà Nội cũng là đơn vị có hợp đồng thực hiện bảo trì, sửa chữa thường xuyên các tuyến đường. Ông Ngô Minh Hiếu, Trưởng Ban điều hành tại Lạng Sơn cho biết: Đơn vị được giao quản lý, duy tu bảo dưỡng 6 tuyến đường tỉnh 5 với chiều dài hơn 282,6 km. Trước mùa mưa bão năm nay, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ các vật tư, thiết bị, máy móc như: 7 ô tô, 6 máy xúc, 120 rọ thép các loại, 42 phi nhựa đường, đá hộc, đá dăm… để kịp thời khắc phục nếu có mưa bão gây hư hỏng các tuyến đường, nhằm đảm bảo giao thông thông suốt.

Ông Hoàng Viết Đông, Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và An toàn giao thông, Thường trực Ban Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), Sở Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết: Để hạn chế mức thấp nhất ảnh hưởng do thiên tai đối với các tuyến giao thông, ngay từ đầu tháng 5/2023, phòng đã xây dựng kế hoạch, tham mưu lãnh đạo Sở GTVT chỉ đạo, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của sở; chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ trực tiếp quản lý các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống thiên tai và quy định về phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lụt. Đặc biệt những ngày xảy ra lụt, bão phải trực 24/24 giờ, nhất là trên các tuyến, trục đường chính, bố trí đầy đủ máy móc, thiết bị và vật tư thiết yếu… sẵn sàng ứng cứu.

Qua tìm hiểu từ phóng viên, ngay sau khi nhận được kế hoạch của Sở GTVT ban hành, 100% đơn vị được giao quản lý các tuyến đường đã chủ động các nguồn vật tư, trang thiết bị, xe ô tô, máy xúc… đồng thời tăng cường kiểm tra toàn bộ hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, rà soát các cầu, cống, nền đường, hệ thống báo hiệu đường bộ… nhằm ứng phó kịp thời nếu có mưa bão; các hạt quản lý đường bộ tăng cường công tác duy tu, bảo dưỡng và phát quang hai bên đường bảo đảm tầm nhìn; kịp thời ứng cứu, khắc phục sự cố khi lũ, lụt xảy ran.

HOÀNG CƯỜNG