Thứ sáu,  05/07/2024

Kê đơn thuốc điện tử: Thuận cho bác sĩ, tiện cho bệnh nhân

– Từ cuối năm 2022 đến nay, việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử (gọi tắt là kê đơn thuốc điện tử) đã được ứng dụng rộng rãi tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh. Qua thực hiện bước đầu đã mang lại nhiều thuận tiện cho cả bác sĩ và người dân trong quá trình khám, chữa bệnh.

Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Hữu Lũng kê và hướng dẫn bệnh nhân sử dụng đơn thuốc điện tử

Theo Bộ Y tế, đơn thuốc điện tử được lập, hiển thị, ký số, chia sẻ và lưu trữ bằng phương thức điện tử có giá trị pháp lý như đơn thuốc giấy. Khi bác sĩ kê đơn thuốc sẽ thao tác trên máy và in ra cho bệnh nhân, đồng thời lưu lại trên hệ thống. Đơn thuốc điện tử được soạn trên phần mềm kê đơn, có phần mềm hỗ trợ danh mục thuốc và xác định tương tác thuốc, liên thông trực tiếp hay qua mã đơn giữa phòng khám và hệ thống nhà thuốc, có hệ thống lưu trữ điện tử. Khi đơn thuốc được gửi liên thông về Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn thì cấp quản lý lúc nào cũng có thể kiểm tra, giám sát, “bình đơn”… Các cơ sở bán lẻ thuốc trên toàn quốc cũng có thông tin về việc bán thuốc qua phần mềm của cơ sở với mã đơn điện tử, không thể xuất kho (bán) đối với loại thuốc đã được xuất bởi một cơ sở khác. Thông tư 27/2021/TT-BYT của Bộ Y tế quy định đến ngày 30/6/2023 là hạn cuối cùng cho các cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc triển khai kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử.

Bước đầu “phủ sóng”

Thông thường, sau khi khám bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc viết tay cho bệnh nhân. Với mỗi đơn thuốc được kê, người bệnh có thể đi mua ở nhiều nơi, nhiều lần khác nhau vì các nhà thuốc không thể nắm được đơn thuốc ấy đã được bán rồi hay chưa bán toàn phần hay một phần. Tính xác minh, chính xác của mỗi đơn thuốc giấy người bệnh mang tới cơ sở bán lẻ thuốc là rất khó xác định. Thậm chí, thực tế còn có tình trạng, người dân mượn đơn thuốc của nhau để tự mua thuốc điều trị thay vì đi khám bệnh hoặc tự ý ra mua thuốc phải kê đơn mà không cần đơn. Minh chứng rõ nét là khi xuất hiện dịch COVID-19, các đơn thuốc điều trị COVID-19 tràn lan trên mạng xã hội, trong đó có những đơn thuốc “khủng” có tới 2 – 3 loại kháng sinh. Do hoang mang và thiếu hiểu biết, nhiều người dân đã tự đi mua thuốc theo đơn đó để điều trị hoặc dự phòng trong gia đình. Điều này vô tình gây ra tình trạng sử dụng thuốc bừa bãi, tạo ra khan hiếm giả, đẩy giá thuốc lên cao.

Bác sĩ Phạm Đức Cơ, Trưởng Phòng nghiệp vụ Y – Dược, Sở Y tế cho biết: Để quản lý tình trạng bán thuốc không có đơn của bác sĩ, phòng đã tham mưu Sở Y tế tích cực triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn. Từ tháng 6/2022, Sở Y tế đã xây dựng và ban hành 8 công văn chỉ đạo, đôn đốc triển khai Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Việc triển khai bán thuốc bằng đơn thuốc điện tử từ cơ sở dữ liệu đơn thuốc quốc gia sẽ giúp các cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện việc bán thuốc theo đơn, bảo đảm bán đúng, đủ và tránh tái bán hay bán thuốc không đơn.

Tháng 11/2022, Sở Y tế đã phối hợp với Công ty Cổ phần Mạng y tế cộng đồng (Medcomm) tổ chức tập huấn, triển khai và cấp tài khoản cho các cơ sở khám, chữa bệnh hạng 3 trở lên và các y, bác sĩ công lập và tư nhân trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất, đầu tháng 8/2023, Sở Y tế đã phối hợp với Medcomm tổ chức tập huấn cho hơn 400 cán bộ phụ trách y tế của văn phòng HĐND&UBND các huyện, thành phố và người đứng đầu, nhân viên cơ sở khám, chữa bệnh công lập, cơ sở hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn tỉnh. Cùng với tập huấn, hướng dẫn, Medcomm đã trao tặng, hỗ trợ miễn phí không thời hạn giúp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh gửi đơn thuốc bằng hình thức điện tử tới người bệnh thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh “Yte box”. Đây là ứng dụng đang được áp dụng trên phạm vi toàn quốc nhằm đảm bảo người bệnh đi khám bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào trong tỉnh hay ngoại tỉnh đều nhận được đơn thuốc của mình thống nhất trên một ứng dụng.

Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ hạng 3 trở lên trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện việc kê đơn thuốc điện tử. Theo tổng hợp của Sở Y tế, toàn tỉnh hiện có 326 cơ sở khám, chữa bệnh có bác sĩ kê đơn, trong đó có 15 đơn vị khám, chữa bệnh công lập thuộc Sở Y tế; 3 trạm y tế thuộc Bộ Quốc phòng; 208 cơ sở khám, chữa bệnh ngoài công lập có bác sĩ kê đơn (13 phòng khám đa khoa, 195 phòng khám chuyên khoa).

Tính đến ngày 1/8/2023, toàn tỉnh có 310 cơ sở khám, chữa bệnh từ hạng 3 trở lên đã được cấp mã liên thông đơn thuốc điện tử, trong đó có 184 cơ sở thực hiện liên thông gửi đơn thuốc về hệ thống, đạt tỷ lệ 56,4% so với tổng cơ sở khám, chữa bệnh có bác sĩ kê đơn. Từ tháng 11/2022 đến nay, toàn tỉnh có 250.144 đơn thuốc được cập nhật lên hệ thống, trung bình trên 27.700 đơn/tháng, mỗi cơ sở cập nhật lên hệ thống được 151 đơn/tháng. Việc triển khai sâu rộng ứng dụng kê đơn thuốc điện tử đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và cán bộ y tế, từng bước thay thế việc kê đơn thuốc giấy, khắc phục tình trạng tái bán các loại thuốc chỉ được bán khi có đơn, đặc biệt là kháng sinh và thuốc phải kiểm soát.

Nhiều tiện ích thiết thực

Tại thành phố Lạng Sơn, gần 20 bệnh viện, phòng khám tư nhân đã thực hiện kê đơn thuốc điện tử cho bệnh nhân. Bế con nhỏ trên tay chờ lấy thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị Hoàng Thị Yến (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn) cho biết: Trẻ nhỏ trong đó có con tôi thường hay ốm nên tôi cũng không thể nhớ hết con khám lần nào, lúc trước uống những thuốc gì. Giờ có đơn thuốc điện tử thì tôi không còn lo bị quên lần khám, tên thuốc nữa vì đã có bệnh viện lưu lại thông tin trên hệ thống. Có lúc gia đình không mua thuốc tại bệnh viện thì cứ cầm đơn thuốc điện tử bác sĩ đã kê ra hiệu thuốc để mua nên cũng tiện.

Đưa bố đi điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng, anh Hà Mạnh Duy (thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan) cho biết: Bố tôi năm ngay 81 tuổi, sức khỏe suy giảm nhiều. Các chỉ số xét nghiệm không ổn định, tăng, giảm liên tục. Tôi cũng không nhớ được hết. Đơn thuốc thì nhiều, hay bị thất lạc. Giờ hồ sơ bệnh án, đơn thuốc của ông được các bác sĩ lưu trên hệ thống phần mềm nên rất tiện lợi. Đơn thuốc đánh máy dễ nhìn hơn, dễ đọc nên thuận tiện hơn rất nhiều.

Không chỉ bệnh nhân, đơn thuốc điện tử còn mang lại nhiều tiện ích đối với các bác sĩ. Bác sĩ Phương Văn Hưởng, Trưởng khoa Bệnh phổi, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Đơn thuốc điện tử vừa giúp bác sĩ tiết kiệm được thời gian vừa giúp bệnh nhân dễ dàng đọc đơn bác sĩ với đầy đủ tên thuốc, thành phần, liều dùng. Nếu cơ sở dữ liệu thuốc đã có đầy đủ, chỉ cần gõ 2 – 3 chữ cái đầu sẽ hiển thị ra các loại thuốc. Với việc liều dùng thuốc cũng sẽ hiển thị rõ ràng, bác sĩ không mất công để gõ lại. Bình quân mỗi ngày tôi kê được hơn 90 đơn thuốc điện tử cho bệnh nhân nội trú và ngoại trú.

Như vậy, với số lượng lớn bệnh nhân đến thăm khám mỗi ngày tại bệnh viện thì việc kê đơn thuốc điện tử giúp bác sĩ tiết kiệm thời gian, kê đơn thuốc được chính xác nhất, mà cũng tránh tình trạng “chữ xấu”, giúp người dân có thể đọc từng loại thuốc rõ ràng, kiểm tra các loại thuốc mà nhà thuốc bán có đúng đơn bác sĩ hay không, hạn chế trường hợp nhà thuốc vụ lợi, bán thuốc không đúng đơn… Từ đó góp phần hiện đại hóa ngành y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn.

“Là người hỗ trợ Lạng Sơn từ những ngày đầu triển khai vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, tôi nhận thấy Sở Y tế Lạng Sơn đã thực sự tích cực, quyết liệt trong triển khai thực hiện, chủ động kết nối, phối hợp tổ chức tập huấn về quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn kết nối với hệ thống thông tin quốc gia, đồng thời phân công cán bộ làm đầu mối, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế do nguyên nhân khách quan như: thời điểm cuối năm 2022 do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phải tập huấn trực tuyến, không có sự hướng dẫn trực tiếp, kỹ càng đối với từng đơn vị; một số trạm y tế xã đang trong quá trình sửa chữa, nâng cấp, chưa thực hiện khám, chữa bệnh, kê đơn thuốc…

Để đảm bảo việc triển khai thực hiện kê đơn thuốc điện tử đạt hiệu quả, người đứng đầu các cơ sở khám, chữa bệnh công lập và ngoài công lập cần tăng cường chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho cán bộ chuyên môn trực tiếp phụ trách khẩn trương hoàn thành việc đăng ký tài khoản cơ sở khám, chữa bệnh và tài khoản liên thông cho y, bác sĩ trên hệ thống đơn thuốc quốc gia; hướng dẫn, đôn đốc các bác sĩ, y sĩ kê đơn thuốc thực hiện đăng ký thông tin mã bác sĩ trên hệ thống; giám sát việc liên thông, gửi đơn thuốc lên hệ thống từ phần mềm quản lý khám, chữa bệnh của đơn vị, đảm bảo gửi đủ đơn thuốc đã kê cho người bệnh ngay khi kết thúc quá trình thăm khám đối với đơn ngoại trú; gửi tổng hợp toàn bộ thuốc mà người bệnh sử dụng trong quá trình điều trị đẩy lên hệ thống sau khi bệnh nhân ra viện. Đồng thời, triển khai thực hiện giải pháp gửi đơn thuốc bằng hình thức điện tử tới người bệnh (phổ biến ứng dụng ytebox) trong thời gian sớm nhất theo quy định”.

Ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội tin học y tế Việt Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Mạng y tế cộng đồng (Medcomm)

NGỌC HIẾU