Thứ hai,  08/07/2024

Về với Tân Trào – Nơi cội nguồn cách mạng

– Trong không khí hân hoan chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân Việt Nam nói chung, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nói riêng lại hướng về Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang). Đây là nơi chứng kiến những bước ngoặt quan trọng trong hành trình kháng chiến, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Tân Trào ngày nay đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp Nhân dân trên cả nước.

Người dân Lạng Sơn đến thăm lán Nà Nưa – nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 5 đến tháng 8/1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành chính quyền trong cả nước

Tân Trào là nơi ở, làm việc của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, các Bộ ngành, cơ quan Trung ương. Trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ đã ở và làm việc tại Tuyên Quang gần 6 năm với những địa điểm khác nhau. Những hoạt động của Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời gian này đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn để đứng vững và phát triển, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đi đến thắng lợi.

Lần đầu tới Khu di tích Quốc gia Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Vượng, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng xúc động: Đến thăm từng địa điểm di tích, tôi như được sống trong những năm tháng không thể nào quên của lịch sử cách mạng Việt Nam. Tôi được nghe thuyết minh viên kể lại những câu chuyện lịch sử, chuyện về “ông Ké” Hồ Chí Minh mà tôi chưa từng được nghe, thực sự tôi rất xúc động và tự hào.

Theo số liệu của Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, trung bình mỗi năm, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đón trên 700.000 lượt khách đến thăm quan, dâng hương, báo công hoặc tổ chức các hoạt động như sinh hoạt chi bộ, kết nạp đảng viên…. Được biết, từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 24 đoàn với trên 330 khách là các cán bộ, đảng viên, học sinh của tỉnh Lạng Sơn đến với khu di tích.

Ông Viên Ngọc Tân, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cho biết: Những năm qua, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng không chỉ riêng của tỉnh Tuyên Quang mà còn của nhiều tổ chức, địa phương trên cả nước. Do đó, ngoài việc chú trọng gìn giữ, bảo đảm giữ nguyên hiện trạng của các di tích, chúng tôi cũng quan tâm đến việc xây dựng cảnh quan xung quanh khu di tích. Đặc biệt trong những năm qua, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào đã và đang được thực hiện với nhiều hạng mục nhằm xây dựng khu di tích trở thành trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của cả nước.

Bên cạnh đó, xác định từ tháng 7 đến hết tháng 9 hằng năm là thời điểm người dân trên khắp cả nước hướng về Tân Trào, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm tổ chức các hoạt động, sự kiện nhằm tạo không khí sôi nổi. Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2023) và Quốc khánh (2/9/1945 – 02/9/2023), UBND huyện Sơn Dương đã tổ chức chương trình “Tết độc lập” gắn với lễ hội Tân Trào bắt đầu từ ngày 15/8 đến ngày 2/9 với nhiều hoạt động như liên hoan văn hóa các dân tộc, cắm trại, thi đấu thể thao, giao lưu hát then đàn tính…

Về Tân Trào là về với cái nôi của cách mạng Việt Nam, nơi chứa đầy những dấu tích cách mạng về “cuộc đổi đời kỳ vĩ” trong tiến trình lịch sử đất nước, mở đường đưa dân tộc Việt Nam vào kỷ nguyên của độc lập, tự do. Đó cũng chính là lý do mà Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào mãi mãi không bao giờ phai nhòa trong tâm trí của mọi thế hệ người Việt.

HOÀNG NHƯ