Thứ hai,  08/07/2024

Nhiều kỳ vọng từ chính sách visa thông thoáng

Ngày 15/8, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (gọi chung là Luật mới về xuất, nhập cảnh) chính thức có hiệu lực.

Việc đưa 2 luật này vào cuộc sống với những chính sách thông thoáng về visa được kỳ vọng sẽ góp phần tạo cú hích lớn cho ngành Du lịch tăng tốc phục hồi, phát triển. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) quanh vấn đề này.

1-2.jpg -0
Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch.

PV: Nhiều người làm du lịch cho rằng, hai Luật mới về xuất, nhập cảnh có hiệu lực là sự kiện lớn của ngành du lịch. Ông đánh giá như thế nào về tác động của hai Luật nói trên đối với ngành du lịch hiện nay?

Ông Hoàng Nhân Chính: Luật mới về xuất, nhập cảnh có tác động rất tích cực đến ngành du lịch, giúp cho ngành du lịch thuận lợi hơn trong thu hút khách du lịch quốc tế và có khả năng giữ khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn. Các chính sách mới giúp ngành du lịch đa dạng hóa thị trường, nhất là thu hút khách ở các thị trường xa, cần có thời gian dài như Mỹ, Úc, châu Âu… Luật có hiệu lực còn giúp tăng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực. Trước đây, so với Thái Lan, Singapore, sức cạnh tranh của chúng ta còn thấp nhưng chính sách thông thoáng hơn về thị thực có thể giúp khả năng cạnh tranh của chúng ta tốt hơn.

Bên cạnh những tác động với ngành du lịch, các chính sách này còn tác động tích cực đối với nhiều ngành khác. Đơn cử như ngành hàng không cũng được lợi thế rất lớn như tăng số lượng khách trên các chuyến bay, nhất là những chuyến bay có nối Việt Nam với các nước khác trên thế giới. Ngoài ra, các khách giao lưu thương mại hoặc đầu tư đến Việt Nam nhiều hơn, giúp gia tăng lượng khách có hoạt động thương mại. Nếu nhìn sâu xa hơn thì các chính sách mới giúp ngành du lịch và các ngành khác phát triển, đồng thời cũng giúp các địa phương tăng thêm thu nhập, tăng sinh kế cho người dân, từ đó giúp cho an sinh xã hội tốt hơn. Đây là điều chúng tôi rất tâm đắc, mong chờ. Luật mới về xuất, nhập cảnh có hiệu lực là tín hiệu vui cho ngành du lịch nói riêng, nhiều ngành kinh tế nói chung.

PV: Theo quan sát của ông, cộng đồng du lịch đón nhận các cơ hội mới từ khi triển khai Luật mới về xuất, nhập cảnh trong thực tế ra sao?

Ông Hoàng Nhân Chính: Từ khi Luật còn đang soạn thảo, cộng đồng doanh nghiệp đã theo dõi. TAB cũng đã gửi những đề xuất, góp ý và đã được Bộ Công an lắng nghe, trình Chính phủ. Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, các doanh nghiệp đã tích cực vào cuộc, chuẩn bị đón đầu cho mùa du lịch mới. Vì trước đó, các doanh nghiệp đã nghiên cứu để đưa ra những sản phẩm du lịch mới có khả năng kéo dài ngày hơn ở Việt Nam, tăng tính trải nghiệm, phù hợp với các chính sách mới nên có nhiều khả năng thu hút khách quốc tế hơn. Các doanh nghiệp du lịch cũng đã phối hợp với các hãng hàng không chủ động đến các thị trường trọng điểm truyền thông về các chính sách mới về xuất nhập cảnh, kết hợp quảng bá, xúc tiến du lịch để thu hút thêm khách quốc tế. Sau COVID-19, ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn, trong đó nhân lực giảm cả về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp đã đẩy mạnh đào tạo, tự đào tạo đội ngũ nhân lực để có đủ nhân lực du lịch chất lượng cao và đưa ra dịch vụ tốt nhất cho khách du lịch đến Việt Nam.

Thực tế, ngay khi Luật mới về xuất, nhập cảnh ra đời, lượng khách tìm kiếm thông tin về điểm đến của Việt Nam tăng lên. Theo công bố của Agoda là tăng trên 30%. Điều đó cho thấy, Luật mới về xuất, nhập cảnh là yếu tố thu hút thêm khách quốc tế đến Việt Nam, mặc dù chúng tôi cũng hiểu là từ khi khách bắt đầu quan tâm đến khi mua tour còn là chặng đường dài và ngành du lịch, các doanh nghiệp còn phải làm rất nhiều việc khác để đưa khách đến Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn là nếu không có gì đột biến, đến cuối năm 2023, ngành du lịch Việt Nam sẽ không chỉ đón được 8 triệu lượt khách quốc tế như mục tiêu đề ra mà đến hết tháng 12/2023, có thể đón 12 – 13 triệu lượt khách quốc tế.

Đây là tín hiệu rất đáng mừng. Vì ngành du lịch có phục hồi trở lại thì sẽ hỗ trợ các ngành khác trong nền kinh tế của Việt Nam được phục hồi, phát triển tốt hơn. Tôi đánh giá rất cao Luật mới về xuất, nhập cảnh với chính sách thông thoáng về visa giúp cộng đồng du lịch tự tin, thuận lợi hơn trong thu hút khách quốc tế.

PV: Có không ít ý kiến cho rằng, những thuận lợi từ chính sách visa mới chỉ là điều kiện cần thiết ban đầu. Muốn phục hồi du lịch thì còn cần nhiều yếu tố khác nữa. Ông cũng vừa nói, ngành du lịch, các doanh nghiệp còn rất nhiều việc khác phải làm. Cụ thể, đó là những việc gì, thưa ông?

Ông Hoàng Nhân Chính: Luật mới về xuất, nhập cảnh tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp tăng năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhận thấy rằng, Việt Nam mới đang ở mức trung bình. Ví dụ, Việt Nam miễn thị thực cho công dân 24 quốc gia nhưng nhiều nước trong khu vực đã miễn nhiều hơn rồi, như Thái Lan đã miễn thị thực cho khoảng 67 quốc gia, Singapore miễn khoảng 150 quốc gia, thời gian lưu trú tăng từ 30 ngày lên 90 ngày. Tức là các nước khác cũng đã có những thay đổi về chính sách xuất, nhập cảnh, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du lịch của họ.

Chính vì vậy, chúng tôi hiểu rằng, Luật mới về xuất, nhập cảnh của chúng ta đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn song đó chưa phải là tất cả. Chúng tôi rất mong, tới đây, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các bộ, ngành mở rộng hơn các nước được miễn thị thực và sẽ có khoảng 50-60 quốc gia được miễn thị thực để đến Việt Nam.

4-1.jpg -0
Các chính sách mới về visa giúp khách quốc tế thuận lợi hơn khi du lịch Việt Nam.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng còn rất nhiều việc phải làm. Khi Luật có hiệu lực, báo chí trong nước truyền thông rất nhiều nhưng cũng vẫn còn nhiều người nước ngoài chưa biết. Hiện nay, xu thế khách tự đi du lịch theo gia đình, nhóm nhỏ rất nhiều. Địa chỉ đầu tiên họ tìm đến là các website của các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài. Vì vậy, Bộ Ngoại giao cần có những chỉ đạo cập nhật kịp thời trên các trang web này. Ngành du lịch cũng phải tích cực làm công tác truyền thông để lan tỏa thông tin về các chính sách mới cho bạn bè quốc tế. Công tác marketing phải tốt hơn nữa. Tất cả phải thay đổi để làm sản phẩm du lịch mới hơn, tốt hơn. Các doanh nghiệp, các địa phương phải làm tốt hơn công tác xây dựng các sản phẩm mới, chất lượng cao, độc đáo, phù hợp với xu hướng mới của thị trường, kéo dài ngày lưu trú ở Việt Nam, khách chi tiêu nhiều tiền hơn.

Các địa phương cũng cần quan tâm quản lý điểm đến nhiều hơn để khách được trải nghiệm nhiều nhất, sử dụng nhiều dịch vụ nhất và vui vẻ, thoải mái nhất. Hiện nay, khách đến Việt Nam mới chỉ đi du lịch ban ngày, còn buổi tối – thời điểm được nhiều chuyên gia nhận định là khách sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn – vẫn chưa có nhiều sản phẩm. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có đề án phát triển một số mô hình du lịch đêm. Các địa phương cần có nhiều sáng kiến để xây dựng các mô hình du lịch đêm để làm sao có những sản phẩm giàu tính trải nghiệm, thuyết phục du khách chấp nhận chi tiêu nhiều hơn. Những điều khách còn phàn nàn ở các điểm đến như vệ sinh công cộng, môi trường chưa tốt, hiện tượng chèo kéo mua hàng, chưa an toàn về giao thông, an ninh ở một số điểm đến phải được khắc phục.

Khi làm tốt công tác điểm đến, tôi tin là du khách có những kỷ niệm đáng nhớ hơn, muốn quay trở lại Việt Nam. Khi chúng ta khiến khách quay trở lại là một thành công bền vững của ngành du lịch. Tỷ lệ khách quốc tế trở lại Việt Nam hiện nay chưa nhiều, chỉ khoảng 30%, trong khi Thái Lan là 70%. Nếu lượng khách du lịch quốc tế quay lại, lượng khách chi trả cao nhiều, doanh thu du lịch và đóng góp của ngành du lịch cho nền kinh tế nói chung sẽ tốt hơn rất nhiều. Tôi tin là nếu chúng ta làm tốt tất cả mọi việc, đến năm 2024, chúng ta sẽ có những thành công mới, có thể đóng góp GDP cho đất nước từ 9-10%.

PV: Về phía TAB đã chuẩn bị và sẽ triển khai những gì để tăng tốc phục hồi, phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững trong thời gian tới không?

Ông Hoàng Nhân Chính: TAB sẽ tiếp tục đồng hành cùng với ngành du lịch, trước tiên là tư vấn cho Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc xây dựng các chính sách để phát triển du lịch Việt Nam. Chúng tôi sẽ nỗ lực để phát hiện những rào cản kỹ thuật, đưa ra những đề xuất để có những cải thiện chính sách giúp cho việc phục hồi, phát triển du lịch tốt hơn. Chúng tôi tăng cường các nghiên cứu, nhất là các nghiên cứu giúp cho các doanh nghiệp, địa phương về mô hình phát triển, sự thay đổi về nhu cầu của khách du lịch trong giai đoạn hiện nay, mô hình phát triển du lịch đêm, du lịch MICE, giúp các địa phương xóa những rào cản phát triển mang tính thời vụ.

Ngoài ra, TAB cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp cho Quỹ Du lịch Việt Nam để cùng chung tay với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vận hành các văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài nhằm quảng bá du lịch Việt Nam ở các thị trường trọng điểm.

Nguồn:https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/nhieu-ky-vong-tu-chinh-sach-visa-thong-thoang-i705140/

Theo cand.com.vn