Hệ thống máy theo dõi động đất tại Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu. (Ảnh: Bích Liên). 

Trong tổng số gần 300 trận động đất, có tới 95% số trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đáng chú ý, chỉ riêng tháng 7/2023, cả nước đã xảy ra 93 trận động đất với độ lớn từ 2,5 đến 4,2 độ Richter. Trong đó, khoảng 90 trận động đất kích thích xảy tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất còn lại xảy ra tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Đỉnh điểm là ngày 7/7, đã liên tiếp xảy ra 15 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 4,2 độ Richter tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Còn trong tháng 8/2023, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần cũng ghi nhận gần 40 trận động đất có độ lớn từ 2,5 đến 3,6 độ Richter, chủ yếu là động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

Ngay trong sáng 31/8, đã xảy ra 2 trận động đất, trong đó trận đầu tiên xảy ra tại khu vực huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0; trận còn lại xảy ra địa bàn huyện Kon Plông với độ lớn 3,3. Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.

Trước đó, tháng 7/2023, cả nước cũng đã xảy ra 93 trận động đất với độ lớn từ 2,5 đến 4,2. Trong số trên có khoảng 90 trận động đất kích thích xảy tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Các trận động đất còn lại xảy ra tại huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La; huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi.

Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu Nguyễn Xuân Anh cho biết, các trận động đất trên là động đất nhỏ, dù không gây rủi ro thiên tai, song cũng không thể chủ quan.

Trong đó, các trận động đất xảy ra ở Kon Tum là động đất kích thích do hồ chứa, cơ bản liên quan đến việc tích nước, theo chu kỳ nhất định. Vì thế, có những đợt liên tiếp xảy ra động đất trong vòng mấy ngày.

Cuối năm 2022, Viện Vật lý Địa cầu đưa vào hoạt động 8 trạm quan sát động đất ở Kon Tum. Các trạm này cung cấp nguồn số liệu quan trọng để đánh giá hoạt động động đất ở đây. Bên cạnh đó, Viện cũng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng ứng phó khi động đất xảy ra cho nhà quản lý và người dân tại tỉnh Kon Tum, cũng như khu vực lân cận nhằm ứng phó, giảm thiểu thiệt hại khi động đất xảy ra.

Theo các nghiên cứu sơ bộ, dự báo động đất ở Kon Tum vẫn sẽ tiếp diễn trong thời gian tới, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ Richter.

TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết, việc dự báo thời điểm chính xác xảy ra động đất cho đến nay các nhà khoa học chưa làm được, ngay cả với nhiều nước tiên tiến trên thế giới, nhưng đánh giá mức độ nguy hiểm (độ lớn cực đại, tần suất…) cho từng khu vực cụ thể thì có thể làm được và trên cơ sở đó đưa ra phương án phòng chống động đất phù hợp.

Để có cơ sở dự báo xu thế hoạt động và độ lớn của động đất trong tương lai, đánh giá khả năng gây thiệt hại cho các công trình dân sinh và thủy điện, Viện Vật lý Địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo, chế độ địa chấn trong khu vực Kon Tum và lân cận. Bên cạnh đó, Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.

TS. Nguyễn Xuân Anh cũng khuyến cáo người dân và chính quyền địa phương cần quan tâm đến các yếu tố kháng chấn trong xây dựng; thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân các biện pháp phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại khi xảy ra động đất mạnh./.

Nguồn:https://dangcongsan.vn/khoa-hoc/gan-300-tran-dong-dat-xay-ra-trong-8-thang-nam-2023-645593.html