Hàng nghìn tổ liên gia tự quản được thành lập trong các tổ dân phố ở quận Long Biên hoạt động hiệu quả đã góp phần thực hiện tốt Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư.

Thạch Cầu là một ngôi làng nhỏ nằm ven sông Cầu Bây thuộc xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm (trước đây). Khi làng lên phố, 4 xóm được tái lập thành các tổ dân phố số 13, 14, 15, 16 thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Mỗi tổ dân phố chia ra từng ngõ để hình thành các tổ liên gia. Là người cùng một làng nên bà con vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm. Nhiều tổ liên gia có quan hệ huyết thống, vì thế nền nếp gia phong dòng họ được duy trì. Hễ có công việc gì, tổ liên gia tổ chức họp bàn thống nhất để cùng nhau thực hiện. Ông Đỗ Văn Miền ở tổ dân phố số 3 (phường Thạch Bàn) chia sẻ: “Về hành chính là 4 tổ dân phố nhưng mọi sinh hoạt về văn hóa, tín ngưỡng vẫn giữ theo nếp làng Thạch Cầu. Nhân dân tôn thờ chung Thành hoàng, cùng nhau tổ chức lễ hội. Từ đó, truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau trong các liên gia tiếp tục được phát huy”.

Hiệu quả mô hình liên gia tự quản
 Người dân tổ liên gia thuộc tổ dân phố số 7 (phường Phúc Đồng, quận Long Biên) chụp ảnh trong khu dân cư.

Nằm ở địa thế có tốc độ đô thị hóa nhanh, đời sống của người dân được nâng cao, tuy vậy, những nét đẹp truyền thống của xóm làng vẫn được nhân dân phường Bồ Đề gìn giữ. Trước năm 2003, Bồ Đề là một trong 31 xã của huyện Gia Lâm. Địa bàn xã Bồ Đề nằm trên vùng đất cổ của 4 thôn Lâm Du, Ái Mộ, Ngọc Lâm, Phú Viên. Được thành lập và đi vào hoạt động từ đầu năm 2004 đến nay, phường Bồ Đề là một đơn vị hành chính có 30 tổ dân phố với hơn 7.500 hộ gia đình. Trong mỗi tổ dân phố đều có các tổ liên gia được hình thành dựa trên các dãy nhà sinh sống cạnh nhau. Chính quyền địa phương luôn quan tâm đến việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống, đặc biệt là đoàn kết xóm làng ở các tổ liên gia.

Tìm hiểu thực tế tại tổ dân phố số 7, phường Phúc Đồng, chúng tôi được biết, hằng quý, tổ dân phố đều tổ chức chấm điểm thi đua việc xây dựng cảnh quan môi trường văn hóa trong khu dân cư. Khi đó, đại diện ban lãnh đạo cùng các đoàn thể địa phương sẽ đến từng dãy liên gia đánh giá về công tác vệ sinh đường phố, chỉnh trang khuôn viên. Mỗi dãy liên gia có gần trăm hộ gia đình đều bầu ra dãy trưởng để phổ biến các công việc do tổ dân phố triển khai. Không chỉ có việc xây dựng cảnh quan môi trường, các hoạt động như giao lưu văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao, bảo đảm an ninh khu phố đều được các liên gia duy trì hoạt động hiệu quả. Ông Lê Văn Luận, Tổ trưởng tổ dân phố số 7 cho biết: “Các liên gia đã hỗ trợ tích cực cho tổ dân phố trong thực hiện công việc chung. Người dân trong tổ liên gia còn thường xuyên giúp đỡ nhau trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Nhờ vậy, các hoạt động phong trào diễn ra sôi nổi, đời sống bà con trong khu phố được nâng cao”.

Mô hình hoạt động của các tổ liên gia đã phát huy hiệu quả trong thực hiện công việc chung của tổ dân phố. Bà Đinh Thị Thu Hương, Phó chủ tịch UBND quận Long Biên cho biết: “Mỗi khu dân cư có đặc điểm khác nhau, nhưng chính quyền địa phương đã phát huy tốt vai trò của các tổ liên gia tự quản. Nhờ vậy, việc xây dựng Gia đình văn hóa, Khu phố văn hóa đi vào thực chất hơn”.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/hieu-qua-mo-hinh-lien-gia-tu-quan-742095