Thứ hai,  08/07/2024

Hiệu quả thiết thực từ các mô hình điểm trong Đề án 06

Cán bộ Công an tỉnh hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm VNeID

Sau gần 2 năm triển khai, các mô hình điểm trong Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần cụ thể hoá các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đề án 06 đã đề ra.

Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030″ với mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Một trong những giải pháp được tập trung triển khai đó là việc xây dựng và vận hành hiệu quả các mô hình điểm.

Triển khai trên các lĩnh vực

Xác định vai trò và giá trị mà Đề án 06 mang lại, thời gian qua, chính quyền tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các tiện ích của Đề án 06 phục vụ người dân, doanh nghiệp. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch về triển khai thực hiện các mô hình điểm trong Đề án 06 trên địa bàn tỉnh với 3 mô hình điểm cấp tỉnh, 25 mô hình điểm cấp sở, ngành, huyện, tập trung vào 5 nhóm tiện ích, gồm: phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tiện ích phát triển kinh tế – xã hội; tiện ích phục vụ công dân số; nhóm số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ cải cách hành chính; nhóm phục vụ chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp…

Thượng tá Hoàng Hùng Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết: Là đơn vị giúp việc cho Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh, đơn vị đã chủ động tham mưu với lãnh đạo cấp trên ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06. Qua đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ngành triển khai thực hiện các mô hình trong Đề án 06, chủ động phối hợp với các đầu mối của Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an để triển khai các mô hình, đảm bảo tiến độ đề ra theo kế hoạch. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã triển khai 20/40 mô hình thuộc Đề án 06. Các mô hình đã cơ bản đem lại hiệu quả, góp phần cụ thể hoá các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Đề án 06.

Theo đó, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã triển khai nghiêm túc, hiệu quả các mô hình thuộc lĩnh vực quản lý. Chẳng hạn như Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai và áp dụng việc thanh toán học phí không dùng tiền mặt tại các trường học, cơ sở giáo dục. Từ khi triển khai đến nay, tổng số tiền giao dịch không dùng tiền mặt đạt trên 151 tỷ đồng. Trong đó, riêng năm học 2023 – 2024 (tính đến hết tháng 11/2023) đã có 64.717 lần giao dịch thanh toán thành công, số tiền giao dịch không dùng tiền mặt đạt trên 60 tỷ đồng; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt đối với người hưởng chính sách an sinh xã hội, đến nay, đã có hơn 1.300 người được chi trả trợ cấp hằng tháng qua tài khoản với tổng số tiền trên 2,5 tỷ đồng/tháng…

Tại các huyện, thành phố, việc triển khai các mô hình trong Đề án 06 cũng được quan tâm thực hiện. Huyện Chi Lăng, Tràng Định, thành phố Lạng Sơn là các đơn vị thực hiện tốt công tác này. Ông Vũ Đức Thiện, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Tổ trưởng Tổ Đề án 06 huyện Tràng Định cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng của Đề án 06, từ đầu năm 2022 đến nay, UBND huyện đã ban hành 30 văn bản chỉ đạo, triển khai các nội dung đề án. Trong đó chú trọng các nhiệm vụ như tuyên truyền, hướng dẫn người dân về thực hiện dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh công tác cấp căn cước công dân (CCCD) và định danh điện tử phục vụ phát triển công dân số, thực hiện mô hình điểm. Hiện trên địa bàn huyện đang triển khai 2 mô hình điểm là mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại các trường học và mô hình dịch vụ công tại xã Quốc Khánh. Riêng đối với mô hình thanh toán không dùng tiền mặt tại trường học, hiện 100% trường học đã mở tài khoản ngân hàng, có 52/55 trường (chiếm 94,5%) thực hiện thu các khoản học phí qua tài khoản ngân hàng với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng (tính đến tháng 12/2023).

Nhiều tiện ích cho người dân

Qua thời gian triển khai, tất cả các mô hình đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của Nhân dân và doanh nghiệp. Đây chính là những mô hình có tính thực tiễn, ứng dụng dữ liệu dân cư và định danh điện tử nhằm chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, bảo đảm an ninh trật tự và mang lại những tiện ích, những giá trị to lớn cho công dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Nhân viên Nhà khách A1 thực hiện thao tác trên phần mềm quản lý lưu trú ASM

Đơn cử có thể kể đến như mô hình quản lý khai báo lưu trú qua phần mềm ASM. Cụ thể, tháng 8/2023, Công an tỉnh đã triển khai mô hình quản lý khai báo lưu trú qua phần mềm ASM. Đây là 1 trong 40 phần mềm thuộc Đề án 06 được triển khai trên địa bàn tỉnh. Phần mềm có chức năng quản lý cơ sở lưu trú, khách lưu trú tại cơ sở, dịch vụ cung cấp và quản lý nhân viên… Từ đó, giúp cơ quan công an cắt giảm được thời gian, chi phí lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tạo thuận lợi cho người dân và các cơ sở lưu trú. Hiện toàn tỉnh có trên 490 tài khoản ASM, qua phần mềm đã có trên 3.600 trường hợp thông báo lưu trú.

Ông Nông Việt Cường, Giám đốc Nhà khách A1 (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Phần mềm ASM rất tiện lợi trong công tác quản lý. Từ khi đưa vào sử dụng phần mềm này, khách hàng khi đến thuê phòng chỉ cần xuất trình CCCD gắn chíp, nhân viên lễ tân sẽ thực hiện quét mã QR trên CCCD, sau đó thông tin của khách hàng được điền tự động vào hệ thống và được bảo mật an toàn.

Cùng với phần mềm ASM, một trong những mô hình mang lại hiệu quả rõ nét đó là mô hình làm thủ tục khám, chữa bệnh (KCB) sử dụng thẻ CCCD và ứng dụng VneID. Ngay từ đầu năm 2023, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở KCB bảo hiểm y tế trên toàn tỉnh tăng cường giải quyết thủ tục KCB bảo hiểm y tế sử dụng CCCD có gắn chíp hoặc qua ứng dụng VneID. Đến nay, toàn tỉnh đã có 215/215 cơ sở y tế triển khai thực hiện thủ tục KCB bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chíp. Tỷ lệ làm thủ tục KCB sử dụng CCCD là 67,3% (trong đó tỷ lệ tra cứu thành công là 92,46%).

Việc triển khai hiệu quả sử dụng CCCD trong thực hiện thủ tục KCB bảo hiểm y tế đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực và nhận được sự đánh giá cao của người dân. Bà Bùi Thị Loan, khối 6, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi bị bệnh cao huyết áp đã 6 năm nay nên thường xuyên phải đi khám bệnh. Trước đây, mỗi khi đến khám tôi thường phải mang theo nhiều giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế, chứng minh nhân dân… để làm thủ tục khám bệnh và phải mất thời gian chờ đợi khá lâu. Tuy nhiên, từ khi sử dụng thẻ CCCD có gắn chíp, nhân viên y tế chỉ cần quét mã trên thẻ là những thông tin của tôi đã hiện lên hệ thống và tôi được đến phòng khám bệnh luôn, giúp tôi tiết kiệm thời gian chờ đợi.

Qua đánh giá sơ bộ cho thấy, các mô hình trong Đề án 06 đã góp phần cụ thể hoá các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra với một số kết quả nổi bật. Cụ thể như Lạng Sơn hoàn thành trước thời hạn việc cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện; là đơn vị đứng thứ 3 toàn quốc hoàn thành chỉ tiêu cấp tài khoản định danh điện tử (VNeID); tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến đạt cao tới 94,9%; đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến đã cung cấp 1.807 dịch vụ công trực tuyến, công khai 1.245 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia; tổng số hồ sơ giải quyết TTHC của các huyện, thành phố được số hóa lên kho dữ liệu số hóa của tỉnh là trên 669.974 hồ sơ/732.908 hồ sơ giải quyết TTHC còn hiệu lực (đạt 91,4%)…

Như vậy, việc triển khai các mô hình điểm trong thực hiện Đề án 06 đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực với người dân, doanh nghiệp, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh và phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

DƯƠNG KIM - HOÀNG HIẾU