Sức sống mới trên mảnh đất biên cương Cao Bằng sau chiến sự năm 1979
18/02/2024 15:17
Chiến sự biên giới 1979 đã lùi xa nhưng ký ức về sự kiện này chưa bao giờ phai nhạt trong lòng người dân và các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu bảo vệ mảnh đất biên cương Cao Bằng.
Sau chiến tranh, hạ tầng kinh tế của Cao Bằng bị thiệt hại nặng nề, chỉ còn lại những hoang tàn, đổ nát. Tuy nhiên vượt lên mọi khó khăn, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Cao Bằng luôn đoàn kết một lòng, chung tay xây dựng quê hương, biên giới hòa bình, ấm no, giàu đẹp.
Những ngày đầu Xuân Giáp Thìn, phóng viên đã có dịp gặp gỡ cựu chiến binh Hồ Tuấn và những người đồng đội cùng ông chiến đấu trong trận đánh bảo vệ đèo Khau Chỉa năm xưa. Ông Tuấn bồi hồi nhớ lại tháng 2/1979. Khi đó với quân số khiêm tốn và vũ khí hạn chế, quân ta chỉ có 1 trung đoàn nhưng phải đối chọi với cả một quân đoàn của địch. Với tinh thần bất khuất và sự mưu trí, sáng tạo, ông cùng đồng đội đã chiến đấu anh dũng, bảo vệ thành công đèo Khau Chỉa, ngăn chặn bước tiến của quân Trung Quốc.
Giờ đây, khi chiến sự đã lùi xa, những người lính năm xưa tuy đã cao tuổi nhưng vẫn luôn yêu thương, đoàn kết, cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no, gia đình hạnh phúc. Ông Tuấn và các đồng đội trong Ban Liên lạc của Trung đoàn 567 đã dẫn phóng viên thăm lại các điểm chiến sự, thắp hương dâng lễ cho các vong linh đồng đội tại hang Keng Riềng (xã Quốc Phong, huyện Quảng Hòa). Nơi đây, 23 chiến sĩ đã hy sinh.
Tưởng nhớ đồng đội, các cựu chiến binh Trung đoàn 567 đã tự góp tiền mua lại mảnh đất của người dân, xây dựng lên đài hương khang trang sạch đẹp tại 2 điểm ở huyện Quảng Hòa để thờ tự, nhang khói cho các liệt sĩ. Họ còn tự cắt cử người thường xuyên trông coi, quét dọn, hương khói cho các liệt sỹ tại hai đài hương và đến thăm mỗi dịp lễ, Tết.
Cùng với sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Nhà nước, vùng biên giới Cao Bằng năm xưa, từ nơi khó khăn nghèo nàn lạc hậu, hoang tàn đã vươn mình trở thành một vùng quê trù phú ấm no. Bộ mặt nông thôn và đô thị của tỉnh đã phát triển hiện đại, văn minh.
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 4/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về lãnh đạo “Xây dựng khu vực biên giới vững mạnh toàn diện”, các cấp chính quyền đã nỗ lực chăm lo phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Địa phương đã thực hiện hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung phát triển nông lâm nghiệp, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh tranh thủ sự đầu tư của Trung ương để mở rộng, nâng các tuyến tỉnh lộ ra cửa khẩu, đường vành đai biên giới, đường tuần tra bảo vệ an ninh biên giới…
Cao Bằng lấy định hướng phát triển kinh tế cửa khẩu và kinh tế du lịch làm mũi nhọn. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn đạt gần 700 triệu USD, tăng trưởng gần 10% mỗi năm. Khách du lịch đến Cao Bằng ước đạt 1,9 triệu lượt, vượt 12% kế hoạch, tăng 23% so với thời điểm trước COVID-19 năm 2019. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 34.000 lượt.
Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, để tăng tốc hơn trong phát triển kinh tế – xã hội, tỉnh đã và đang tập trung cải tạo hạ tầng giao thông để thu hẹp khoảng cách địa lý với các địa phương khác trong khu vực. Chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã thực hiện cấp mới 9 dự án trong khu kinh tế cửa khẩu với tổng vốn đăng ký hơn 437 tỷ đồng; lũy kế đến nay, có 64 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký 9.639 tỷ đồng (trong đó có 43 dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động). Dự kiến, khi đi vào sử dụng, tuyến đường cao tốc sẽ trở thành động lực mạnh mẽ cho Cao Bằng phát triển. Bên cạnh đó, địa phương thường xuyên quan tâm đến công tác bảo vệ an ninh biên giới, thực hiện công tác đối ngoại giữa các cấp chính quyền, đối ngoại nhân dân; tích cực phối hợp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh biên giới. Chiến tranh đã lùi xa và một sức sống mới đang nảy mầm trên những vùng quê biên cương Cao Bằng.