Thứ sáu,  20/09/2024
Xây dựng quy trình giải quyết nội bộ thủ tục hành chính

Còn nhiều hạn chế

LSO-Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, việc công bố quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở Lạng Sơn vẫn còn hạn chế nhất định. Nguyên nhân là do sự thiếu quan tâm trong chỉ đạo và thực hiện việc rà soát, xây dựng hồ sơ trình phê duyệt.


Người dân lấy số tự động thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa
tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh

Nghị định 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC quy định việc xây dựng quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC. Thực hiện quy định này, Văn phòng UBND tỉnh đã hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị hành chính rà soát, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của cơ quan hành chính cấp mình và gửi hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Theo quy định, ngay sau khi Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định công bố công khai TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thì các sở, ban, ngành phải xây dựng quy trình giải quyết trong nội bộ cơ quan đơn vị hành chính cấp mình để Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt. Tuy nhiên, từ khi triển khai đến nay, công tác này còn những hạn chế nhất định, ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn tỉnh. Theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh, tất cả các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đều không đạt tiến độ rà soát, xây dựng hồ sơ trình phê duyệt. Trong đó chậm nhất là các sở: Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã hội… Chị Nguyễn Anh Đào, cán bộ đầu mối về kiểm soát TTHC, Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội cho biết:  Mặc dù đơn vị có trên 30 TTHC đã được phê duyệt quy trình giải quyết nội bộ vào cuối năm 2019 nhưng vẫn là chậm so với yêu cầu đề ra. Nguyên nhân là do cán bộ còn lúng túng khi rà soát, tính toán thời gian giải quyết ở từng khâu, từng bộ phận liên quan. Một số cán bộ được giao thực hiện chưa quan tâm thực hiện sát sao công việc này.

Không chỉ chậm về tiến độ, trong quá trình thực hiện, hồ sơ trình phê duyệt của các sở, ngành gửi lên Văn phòng UBND tỉnh cũng không đạt yêu cầu về hình thức và nội dung dự thảo tờ trình, dự thảo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh theo hướng dẫn buộc Văn phòng UBND tỉnh phải trao đổi, yêu cầu chỉnh sửa nhiều lần… Chính vì thế, đến hết năm 2019, toàn tỉnh mới có 1.222 TTHC và hết quý I/2020, mới có 1.362 TTHC theo cơ chế một cửa ở cấp tỉnh, huyện, xã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt quy trình giải quyết nội bộ (đạt trên 50% tổng số TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa có hiệu lực thi hành). Được biết, nguyên nhân dẫn đến các hạn chế trên là do thời gian qua, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thiếu quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện. Đội ngũ cán bộ đầu mối về kiểm soát TTHC chưa tham mưu kịp thời và lúng túng khi thực hiện rà soát, tính toán, lập hồ sơ trình phê duyệt…

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Trưởng Phòng Kiểm soát TTHC, Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Quy trình giải quyết nội bộ TTHC như một “barem” chuẩn về thời gian, các bước xử lý hồ sơ TTHC để mỗi cơ quan, đơn vị áp dụng giải quyết trong nội bộ nhằm hạn chế tình trạng chậm trả kết quả cho tổ chức, cá nhân. Để khắc phục những hạn chế trong công tác này, thời gian tới, Văn phòng UBND tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố thực hiện tốt công tác rà soát, xây dựng quy trình nội bộ trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đảm bảo kịp thời, đúng tiến độ, yêu cầu chất lượng. Văn phòng sẽ tăng cường trao đổi, hướng dẫn, đôn đốc và phối hợp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ xây dựng hồ sơ trình phê duyệt quy trình giải quyết nội bộ TTHC cho cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC tại các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố…

Cùng những giải pháp trên đây, các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên quan tâm, chỉ đạo thực hiện sát sao công tác này. Cán bộ được giao làm nhiệm vụ cần chủ động và nghiên cứu, học hỏi kỹ năng, phương thức rà soát, tính toán để xây dựng quy trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ.

 MINH ĐỨC