Thứ hai,  08/07/2024

Siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính: Góp phần nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ

Cán bộ, công chức UBND xã Tân Lập, huyện Bắc Sơn chấp hành nghiêm túc việc đeo thẻ công chức trong giờ làm việc

– Năm 2023, chính quyền các cấp trên địa bàn đã tập trung chỉ đạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, chú trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, qua đó, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính là một trong những nội dung căn bản của việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, nhằm phục vụ tốt người dân, doanh nghiệp. Cấp huyện, cấp xã là hai cấp thường xuyên làm việc trực tiếp với người dân. Do vậy, thời gian qua, chính quyền hai cấp này đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, từ đó mang lại nhiều kết quả quan trọng.

Nhằm siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành các văn bản, kế hoạch để chỉ đạo thực hiện các nội dung này. Như năm 2023, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 43 ngày 12/1/2023 về việc tiếp tục thực hiện phương châm hành động “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”. Theo đó, chỉ đạo các cấp chính quyền tập trung triển khai một số nội dung để nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính như: cụ thể hóa các văn bản triển khai; phổ biến, quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện các nhiệm vụ do UBND, Chủ tịch UBND cấp trên giao, đặc biệt là tăng cường kiểm tra đột xuất tại các cơ quan, đơn vị.

Các nội dung cơ bản của việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính gồm: ban hành các văn bản triển khai, phổ biến, quán triệt đến đội ngũ CBCCVC, việc thực hiện các nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND giao; thực hiện chế độ họp, giải quyết công việc, xây dựng kế hoạch công tác, ban hành, sửa đổi nội quy, quy chế, thái độ giao tiếp, ứng xử trong giải quyết công việc cho Nhân dân…

Bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, chính quyền từ cấp huyện đến cấp xã trên địa bàn đã tập trung triển khai các nội dung một cách cụ thể, sát thực tiễn. Như tại huyện Văn Quan, việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính luôn được quan tâm, chú trọng, ông Nông Thanh Hoàng, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Văn Quan thông tin: Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tham mưu UBND huyện ban hành Công văn số 129 ngày 31/1/2023 về việc tiếp tục thực hiện chủ đề “Siết chặt kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, quyết liệt hành động, sáng tạo bứt phá”; chỉ đạo 100% cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp và UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai tại đơn vị mình. Đồng thời, tham mưu UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra đột xuất tại 7 UBND cấp xã, lồng ghép kiểm tra thực hiện nhiệm vụ, cải cách hành chính với kiểm tra thực hiện kỷ luật kỷ cương hành chính tại 10 cơ quan chuyên môn, UBND cấp xã. Kết quả, các phòng, ban, đơn vị, UBND các xã, thị trấn đều duy trì lề lối làm việc, chấp hành nghiêm chỉnh giờ giấc, không có hiện tượng sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc, thái độ giao tiếp với người dân đúng mực, hòa nhã.

Ngoài huyện Văn Quan, các huyện, thành phố trên địa bàn đều thực hiện nghiêm túc các nội dung kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn nghiêm túc quán triệt nội dung này đến 100% cán bộ, công chức, trong đó, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc nêu gương và tổ chức thực hiện. Đặc biệt, năm 2023, các đơn vị đẩy mạnh kiểm tra đột xuất việc chấp hành nội quy, quy chế làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, trung bình mỗi huyện thành lập đoàn và kiểm tra được 10 phòng chuyên môn, UBND cấp xã trở lên. Qua các cuộc kiểm tra cho thấy, một số hạn chế từ các kỳ kiểm tra trước đã được khắc phục như: quang cảnh công sở, nơi làm việc của cán bộ, công chức được sắp xếp, bố trí khoa học, gọn gàng, sạch đẹp hơn, thái độ phục vụ với người dân khi tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính  được nâng lên…

Dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của các cấp chính quyền, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại cấp huyện, cấp xã đã tạo ra nhiều chuyển biến quan trọng. Trước hết, thay đổi rõ nét nhất là việc cụ thể hóa, ban hành kế hoạch của cấp trên để thực hiện nội dung này. Hiện nay, 100% cơ quan cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn đều ban hành được nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, xây dựng kế hoạch về thực hiện văn hóa công vụ.

Cùng với đó, ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, việc chấp hành nội quy, quy chế làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, thái độ phục vụ của mỗi cán bộ, công chức khi tiếp xúc với người dân nói chung và tiếp nhận, trả kết quả thủ tục hành chính nói riêng có sự chuyển biến rõ nét. Hiện nay, người dân khi đến các cơ quan hành chính nhà nước đều được phục vụ, hướng dẫn nhiệt tình, tính đến nay, Lạng Sơn xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố về chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ hành chính (SIPAS); tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng của người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” cấp huyện, cấp xã luôn đạt trên 98%.

Chị Bế Thị Oanh, thôn Cốc Mười, xã Tri Phương, huyện Tràng Định chia sẻ: Lần nào tôi đến bộ phận “một cửa” huyện thực hiện thủ tục hành chính cũng được cán bộ ở đây hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo. Mặc dù nhiều lúc có rất đông người dân đến làm thủ tục và hỏi nhiều vấn đề nhưng cán bộ ở đây luôn hướng dẫn từng người tận tình, lịch sự. Mỗi khi đến thực hiện thủ tục hành chính, tôi cảm thấy rất thoải mái và hài lòng, thủ tục được giải quyết nhanh gọn.

Việc siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính ngay từ cơ sở đã đem lại nhiều kết quả nổi bật, từng bước thay đổi tác phong làm việc, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã, từ đó phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

PHƯƠNG DUNG - HOÀNG HIẾU