Thứ hai,  08/07/2024

Tập trung khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp

Một trong những điểm mới được sửa đổi trong dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng lần này là cụ thể hóa các đối tượng khen thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và tập trung khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp.

Trưởng ban Thi đua, khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang. Ảnh: VGP/Lê Sơn.

 

Bổ sung quy định xét tôn vinh và trao giải cho các doanh nhân, doanh nghiệp

Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ ngày 19/8, Trưởng Ban thi đua khen thưởng Trung ương Phạm Huy Giang cho biết: Ban soạn thảo dự án Luật Thi đua, khen thưởng sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp xác đáng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 17/8 vừa qua. Đặc biệt là những vấn đề mới được bổ sung vào dự thảo Luật lần này như công tác thi đua, khen thưởng ở các cơ quan thuộc Quốc hội, các cơ quan dân cử (Hội đồng nhân dân), cụ thể hóa các đối tượng khen thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Đồng thời, bổ sung các quy định xét tôn vinh và trao giải cho các doanh nhân, doanh nghiệp, bổ sung  nguyên tắc chi tiền thưởng là cấp nào khen, cấp đó thưởng, bảo đảm có khen có thưởng.

Theo Bộ Nội vụ, sau 17 năm thi hành, Luật Thi đua, khen thưởng đi vào cuộc sống được các cấp, các ngành tổ chức triển khai, công tác này ngày càng có vị trí quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và đời sống xã hội. Các phong trào thi đua, yêu nước có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức và có hiệu quả hơn.

Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến được quan tâm chỉ đạo và có nhiều chuyển biến rõ nét. Công tác khen thưởng đã có tác dụng động viên, cổ vũ các cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua. Các bộ, ngành, tổ chức chính trị-xã hội ở Trung ương và địa phương đã chủ động phát hiện kịp thời khen thưởng và đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước cho các trường hợp có thành tích đột xuất, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, các cá nhân, tập thể ở vùng sâu, vùng xa…

Công tác khen thưởng, tổng kết thành tích kháng chiến đến nay đã cơ bản hoàn thành. Việc áp dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác thi đua khen thưởng đã được quan tâm, triển khai từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thi đua khen thưởng.

Khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động sản xuất

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác này còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục, hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội đang chuyển biến không ngừng.

Đó là, việc triển khai phong trào thi đua một số nơi còn hình thức, chưa tạo được động lực thi đua từ cơ sở, từ quần chúng nhân dân; hiệu quả, tác dụng của phong trào chưa cao, một số nơi chưa gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua chưa kịp thời; nội dung, tiêu chí xét tặng danh hiệu thi đua chưa cụ thể, rõ ràng, việc công nhận danh hiệu thi đua chưa thống nhất.

Đối với công tác khen thưởng, Luật có đối tượng điều chỉnh rộng liên quan đến toàn bộ hệ thống chính trị nhưng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng chưa bao quát hết các đối tượng và người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; khen thưởng chưa bám sát các phong trào thi đua, chưa lấy kết quả phong trào thi đua làm căn cứ, cơ sở để khen thưởng nên tác dụng khen thưởng chưa cao; một số quy định về tiêu chuẩn khen thưởng chưa rõ ràng, cụ thể, phải điều chỉnh bằng văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư; công tác phát hiện và khen thưởng đối với tập thể, cá nhân lập thành tích đột xuất chưa kịp thời; việc phân cấp, phân quyền trong khen thưởng chưa quy định rõ ràng…

Theo Ban soạn thảo, mục tiêu quan trọng của sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, khen thưởng lần này là hoàn thiện quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng, phù hợp với công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước hiện nay. Đồng thời, thể chế hóa và cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về thi đua, khen thưởng, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Bên cạnh đó, cũng đáp ứng yêu cầu đổi mới của công tác thi đua, khen thưởng về nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua; phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị khen thưởng; khen thưởng công nhân, nông dân, người trực tiếp lao động sản xuất, công tác, chiến đấu; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để đơn giản hóa thủ tục hành chính bảo đảm kịp thời, minh bạch, công khai, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định của Luật.

Theo dự kiến chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, dự án Luật Thi đua, khen thưởng sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV vào tháng 10/2021, thông qua vào Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.

Theo Baochinhphu