Thứ hai,  08/07/2024
Năm học 2018 - 2019:

Hạn chế lạm thu

LSO-Để chấm dứt tình trạng lạm thu trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Lạng Sơn tăng cường quản lý thu, chi trong năm học 2018 – 2019.


Giáo viên, học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Quan Bản trong giờ giải lao

Những năm trước, cứ vào dịp đầu năm học thì Lạng Sơn cũng không nằm ngoài chủ đề “nóng” từ việc lạm thu các khoản đóng góp. Ví dụ điển hình là năm học 2014 – 2015, phụ huynh học sinh Trường THPT Đồng Đăng, huyện Cao Lộc phải “gánh” 30 khoản thu.

Sau khi thanh tra, Sở GD&ĐT đã yêu cầu nhà trường trả lại cha mẹ học sinh (CMHS) một số khoản thu sai như: tiền nộp để mua 9 máy chiếu cho 9 lớp 10 với số tiền 159,3 triệu đồng; trả lại tiền ủng hộ trường chuẩn quốc gia hơn 30 triệu đồng; trả lại tiền ủng hộ nghiên cứu khoa học hơn 18 triệu đồng…

Không chỉ ở đây, đâu đó tại các trường trong địa bàn tỉnh vẫn có tình trạng thu thừa, thu sai quy định một số khoản như tiền xây dựng, mua sắm trang thiết bị… với hình thức núp bóng việc thu “tự nguyện” của CMHS.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn cho hay: Ngay đầu năm học 2018 – 2019, sở có công văn yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; đơn vị trực thuộc và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thu đúng, đủ các khoản; tuyệt đối lợi dụng danh nghĩa ban đại diện CMHS để thu các khoản ngoài quy định; đồng thời cho phép CMHS nộp tiền các khoản theo định kỳ hằng tháng hoặc theo năm học.

Căn cứ những nội dung Sở GD&ĐT yêu cầu, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố; đơn vị trực thuộc và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đã thu theo kỳ hằng tháng để tránh việc phụ huynh phải cùng lúc nộp tất cả các khoản trong 1 tháng.


Giáo viên, học sinh Trường Mầm non Liên cơ trong giờ học

Ngoài ra, các trường cũng hạn chế thấp nhất việc thu các khoản ngoài quy định, đồng nghĩa với đó chỉ thu những khoản được phép thu và thu trên sự thỏa thuận, đồng ý của CMHS. Việc thu được chia thành 3 hình thức là thu theo tháng, theo năm học hoặc theo hoạt động đồng thời công khai minh bạch toàn bộ các khoản thu.

Đơn cử, Phòng GD&ĐT thành phố Lạng Sơn đã họp bàn và thống nhất các khoản thu, chi của từng cấp học một cách cụ thể, công khai. Theo đó, khối mầm non thu 7 khoản, khối tiểu học thu 9 khoản, khối THCS thu 11 khoản.

Bà Nguyễn Thị Lơ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Liên cơ (thành phố Lạng Sơn) cho biết: Năm học 2018 – 2019, nhà trường có 18 lớp với 902 học sinh. Đầu năm học, trung bình mỗi phụ huynh nộp 1.261.000 đồng bao gồm tiền học phí, lao công, điện nước, đồ dùng vệ sinh – chủ điểm học kỳ I; tiền lao động, vệ sinh cả năm; tiền trông trưa, tiền ăn tháng 9. Một số khoản như: tiền ăn bán trú thu theo từng tháng; các hoạt động trải nghiệm thu theo từng hoạt động cụ thể dựa trên dự toán chi của từng lần.

Chị Hoàng Tuyết Nhàn, khối 8, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn có con học lớp 4 tuổi Trường Mầm non Liên cơ kể: “Đầu năm học, chúng tôi dự họp phụ huynh, được lớp thông qua từng khoản thu. Nhìn chung các khoản thu đều hợp lý. Đến nay chưa thấy nhà trường kêu gọi nộp tiền xã hội hóa gì. Riêng đối với nộp tiền trông bán trú năm nay mới phát sinh nhưng được giải thích rõ ràng, có kế hoạch chi cụ thể nên chúng tôi đều đồng tình”.

Tại các trường học trên địa bàn các huyện trong tỉnh, việc thu đầu năm học đã có nhiều chuyển biến rõ rệt. 11/11 phòng GD&ĐT huyện, thành phố đều nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện CMHS thu các khoản ngoài quy định và không được thu các khoản: bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, đảm bảo an ninh trường học, trông coi phương tiện, vệ sinh lớp học và vệ sinh trường, mua sắm trang thiết bị đồ dùng học tập cho lớp học hoặc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên như trước đây…

Chị Hứa Thị Ngọc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Quan Bản, huyện Lộc Bình kể: Năm học 2017 – 2018 về trước, trường vẫn thu của mỗi CMHS từ 50.000 – 80.000 đồng/năm tiền xây dựng cơ sở vật chất, tiền phục vụ công tác thi đua – khen thưởng cho cán bộ, giáo viên… Năm nay, trường tuyệt đối không thu những khoản này thay vào đó là chi kinh phí từ hoạt động chi thường xuyên hoặc sửa chữa lớn thì lập kế hoạch, dự toán trình cấp trên phê duyệt.

Từ những chỉ đạo sát sao, cụ thể trong việc thu, chi của ngành, đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện phản ánh của CMHS về việc các trường lạm thu đầu năm học. Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết: Để quản lý chặt việc thu, chi của các đơn vị trường, sở sẽ tổ chức các cuộc thanh, kiểm tra các đơn vị trường; nếu phát hiện có trường hợp sai phạm, lạm thu sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh có 725 đơn vị trường học với trên 190.000 trẻ, học sinh, sinh viên và trên 21.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các cấp học.

MINH ĐỨC