Thứ sáu,  20/09/2024

2019 là năm bản lề đánh dấu mốc đổi mới của ngành giáo dục

 Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo khẳng định ngành giáo dục và đào tạo đang bước vào năm 2019 với nhiều quyết tâm, nỗ lực trong thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, chiến lược để đạt được những mục tiêu đề ra. Năm 2019, do đó, sẽ là năm bản lề mang đậm dấu ấn đổi mới, tạo tiền đề và động lực và cả niềm tin cho giai đoạn phát triển, đổi mới tiếp theo của giáo dục.

2019 là năm bản lề đánh dấu mốc đổi mới của ngành giáo dục

Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại một hội nghị với các hiệu trưởng trường đại học

 

Chú trọng tính thực tiễn của các chính sách giáo dục

Năm 2019 được coi như năm bản lề của giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) với nhiều chương trình, kế hoạch dài hạn. Ngành giáo dục vừa kết thúc chặng đường đầu tiên sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/T.Ư về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; 2019 là năm cuối để thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020”… Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân điện tử, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ bày tỏ quyết tâm: “Tôi tin là 2019 mở ra đường hướng mới từ bậc học mầm non cho đến phổ thông, giáo dục thường xuyên và đại học”.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, năm 2019 đặt ra nhiều thách thức đối với ngành giáo dục. Những năm vừa qua, ngành giáo dục đã có nghiên cứu cơ bản, dự báo và đánh giá thực chất hiện trạng trong bối cảnh hội nhập. Về chiến lược, kế hoạch, giai đoạn vừa rồi Bộ GD-ĐT tập trung nhiều công sức để xây dựng nền tảng, thiết kế, tập hợp các nhà khoa học, dựng nên bộ khung trong đó chú trọng đến tổng kết thực tiễn…

Bộ trưởng thăm hỏi học sinh tại Trường PTDT nội trú THCS huyện Văn Yên (Yên Bái)

 

Bộ trưởng cho biết, trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch trước đây còn thiếu một giai đoạn quan trọng là tổng kết thực tiễn và dự báo, sự tham gia của các chuyên gia giáo dục chưa nhiều. Vì vậy, trên cơ sở những nghiên cứu, đánh giá, năm 2019, Bộ GD-ĐT tập trung dành nhiều thời gian cho các công tác sơ kết tổng kết thực tiễn thông qua các hội thảo, hội nghị, góp ý trực tiếp, gián tiếp để đến năm 2020 có chiến lược giáo dục thực tiễn, khả thi.

Cho rằng cần phải đi từ những bước rất căn bản, Bộ trưởng cho biết Bộ GD-ĐT đã có khoảng 39 đề tài nghiên cứu cấp nhà nước trải rộng các lĩnh vực, quy tụ hàng trăm chuyên gia trong và ngoài nước, nghiên cứu từ bậc học mầm non, đến phổ thông, giáo dục thường xuyên và đại học, để nghiên cứu, đánh giá, đề xuất xây dựng quy hoạch tổng thể cho 10 năm tới. Năm 2019 khảo sát, điều tra, phân nhóm, nghiên cứu lý thuyết, điều tra thực tiễn, khi lên khung bắt đầu xin ý kiến, sau đó hoàn thiện và công bố kế hoạch chiến lược tầm nhìn, bước đi để xã hội biết.

Bảo đảm nguyên lý học sinh phải được học gần nhà

Bộ trưởng cũng chia sẻ về hướng đi cụ thể đối với từng cấp học. Theo Bộ trưởng, đối với giáo dục mầm non, phải quy hoạch cho mạch lạc; tránh dồn dịch vào một chỗ. Hiện nay, cấp học này vừa áp lực về số lượng lại vừa áp lực về vấn đề nhận thức, dẫn đến dễ xảy ra sự cố trong quá trình nuôi dạy trẻ. Tình trạng di cư, tập trung đông tại các khu công nghiệp, khu chế xuất…đang tạo ra áp lực lên mạng lưới. Hướng đi tới là cần cố gắng tăng cường xã hội hoá ở cấp học này, nhưng Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm giáo dục đại trà còn xã hội hóa đáp ứng nhu cầu chăm sóc, học tập tốt hơn.

Bên cạnh đó, đội ngũ thầy, cô đang vừa thiếu, vừa yếu. Hiện chúng ta vẫn thiếu đến cả trăm nghìn giáo viên mầm non và phần lớn thầy cô được đào tạo theo hướng nuôi trẻ, chăm trẻ chứ chưa được đào tạo nhiều về giáo dục trẻ. Điều này gây áp lực lên các thầy cô, làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Đối với giáo dục phổ thông, trọng tâm trong thời gian tới là thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới, giải quyết được nhiều vấn đề ách tắc từ nội dung chương trình, phương pháp dạy, học… Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh vào một số điểm, đó là quy hoạch lại hệ thống trường lớp, bảo đảm nguyên lý giáo dục các cháu phải được học gần nhà.

“Đối với phổ thông tôi rất quan tâm đội ngũ, nhất là hiệu trưởng. Trường lớp có thể lo được, sách giáo khoa cũng không quá đáng ngại. Cần giải quyết tốt vấn đề hiệu trưởng, bồi dưỡng giáo viên…” – Bộ trưởng cho biết.

Theo Bộ trưởng, nếu như giáo dục mầm non đòi hỏi kiên trì và từ cấp mầm non đến trung học là nền móng, thì giáo dục đại học lại đòi hỏi sự hiệu quả, ứng dụng được. Giáo dục đại học “ăn thua” hay không là ở chỗ khi đào tạo ra phải làm cho được.

Chính vì vậy, sẽ chú trọng ba trụ cột của giáo dục đại học: Thứ nhất, về chương trình (Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo mạnh về điều kiện bảo đảm, các trường cần tự chủ về học thuật trong điều kiện bảo đảm chất lượng, chứ không phải trường nào muốn làm thế nào thì làm); thứ hai về tổ chức nhân sự; thứ ba là tài chính. Tiến tới các trường đại học thu tiền phải đi kèm trách nhiệm, cam kết rõ ràng.

Đổi mới chương trình theo các bước đi đồng bộ

Không chỉ xây dựng chiến lược, năm 2019 cũng đánh dấu mốc là năm cuối cùng nước rút để chuẩn bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ bắt đầu triển khai từ năm học 2020-2021.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tính đồng bộ các yếu tố không thể tách rời khi thực hiện đổi mới. Mỗi một bước đổi mới chương trình thì đồng thời phải một bước chuẩn bị đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. “Thực tế hiện đang có khoảng 20-25% địa phương khó khăn, dạy 1 buổi/ngày, trường lớp không đáp ứng được yêu cầu; nhiều giáo viên chưa theo kịp đổi mới” – Bộ trưởng đánh giá.

Cần tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và giáo viên. “Trong đó, tôi cho rằng hiệu trưởng là đột phá. Là người hằng ngày điều hành cho nên ở đâu có hiệu trưởng giỏi thì ở đấy có trường tốt và ngược lại nếu hiệu trưởng không trưởng thành từ một thầy giáo tốt hoặc từ một người đổi mới thì ở đấy đầy rẫy những vấn đề” – ông nói. Hiệu trưởng đổi mới thì coi như thành công một nửa. Cho nên đổi mới ban đầu phải là hiệu trưởng chứ không chỉ cứ chăm chăm vào đổi mới mỗi giáo viên.

Đáng chú ý, trong thời gian tới, cách thức để nâng cao chất lượng đội ngũ sẽ thay đổi theo hướng đẩy mạnh việc dùng công nghệ thông tin trong bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên. Tới đây Bộ GD-ĐT sẽ đẩy mạnh bồi dưỡng từ xa và có trợ giảng, có hướng dẫn và tương tác. Đây là điểm đột phá trong bồi dưỡng giáo viên. Theo Bộ trưởng, chúng ta cần hướng tới đạt được cái đích cuối cùng là bản thân giáo viên thấy yêu thích thì sẽ tự học, tự đổi mới.

Bộ GD-ĐT sẽ tập trung để đưa ra các nội dung bồi dưỡng trực tuyến cho giáo viên, sẽ bồi dưỡng trên cơ sở các thầy cô tự đưa ra xem có gì, mạnh gì, yếu gì để bồi dưỡng chứ không phải như trước đây bồi dưỡng, tập huấn định kỳ 3 tháng hay 6 tháng một lần. “Như vậy sẽ tránh tình trạng nhiều khi bị bệnh tim mà kê thuốc tiểu đường uống” – Bộ trưởng ví von.

Bộ trưởng mong mỏi với cách thức như vậy giáo viên sẽ phải tự vươn lên từ việc tự nhìn vào các nội dung mà mình cần có sự hỗ trợ.

Để có thể tiếp cận chuẩn giáo viên từ gốc, ngay từ bước đào tạo sư phạm, năm 2019, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ chỉ đạo mạnh việc sắp xếp lại các trường sư phạm. “Phải gắn được các trường sư phạm với các trường phổ thông giống như trường y với bệnh viện. Sinh viên sư phạm mới được chú trọng về thực tập”.

Về cơ sở vật chất trường lớp, để chấm dứt hiện tượng 60-70 cháu một lớp như đang tồn tại, Bộ trưởng cho biết, theo phân cấp thì Bộ GD-ĐT không được quy hoạch trường lớp. Vì vậy, thay vì quy hoạch, Bộ GD và ĐT sẽ ban hành thông tư về quy chuẩn trường lớp để định hướng trong vấn đề sáp nhập.

Thầy cô phải là tấm gương về tình yêu thương

Nhấn mạnh tinh thần nêu gương ở người thầy trong quá trình giáo dục, Bộ trưởng cho rằng trong giáo dục nêu gương là thể hiện một con người sống có trách nhiệm, vì học trò, gần gũi và yêu thương. Các thầy cô nêu tấm gương về tình yêu thương thì mới gần gũi được trẻ. Các cháu nhìn thấy thầy cô “vời vợi” khoảng cách thì không ổn.

Ở các trường càng phải có trách nhiệm nêu gương. Đối với ngành giáo dục nêu gương là rất phù hợp và có tính khuôn mẫu. Các thầy, cô gần gũi với học trò thì các cháu sẽ mạnh dạn chia sẻ cũng là một cách nêu gương. Hay tới đây khi thực hiện quy tắc ứng xử thì khuyến khích thầy, cô ăn mặc phải gọn gàng, đẹp chứ ko phải ăn diện theo mốt.

“Nêu gương trong ngành giáo dục rất giản dị không cần ghê gớm, cao sang. Khi vào nghề giáo, thầy cô cần để các cháu thấy thầy cô là mẫu hình tôn trọng. Và nêu gương trong giáo dục cần đi từ cuộc sống” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Theo Nhandan