Thứ sáu,  20/09/2024

Đổi mới giáo dục và nỗi lo về cơ sở vật chất

(LSO) – Nhằm chuẩn bị các điều kiện cho đổi mới giáo dục, đặc biệt là chương trình đổi mới giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua ngành giáo dục Lạng Sơn đã tăng cường cải tạo, sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất cho các trường, tuy nhiên đến nay hệ thống cơ sở vật chất giáo dục trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế.

Theo thống kê của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh, toàn tỉnh hiện có 707 đơn vị, trường học và 7.854 phòng, lớp học. Ông Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho biết: Đối với việc đầu tư một trường học phổ thông “đúng chuẩn” theo yêu cầu đổi mới cả nội dung và phương pháp giáo dục, ngoài phòng học kiên cố còn đòi hỏi phải có các phòng học bộ môn với các thiết bị hiện đại; có thư viện, phòng thí nghiệm – thực hành, sân chơi, bãi tập đúng quy chuẩn… Qua thực tế khảo sát, thời gian qua ngành giáo dục tỉnh đã ưu tiên cho các hạng mục công trình: phòng học, thư viện, nhà vệ sinh, nhà ăn, phòng ở cho học sinh nội trú, học sinh bán trú và đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, nhằm đảm bảo tốt nhất cơ sở vật chất phục vụ mục tiêu chương trình đổi mới giáo dục phổ thông.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS xã Song Giang, huyện Văn Quan còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất

Theo đó, thực hiện lộ trình đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2017 – 2020, từ nguồn vốn được cấp và công tác xã hội hóa, tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay ngành giáo dục tỉnh đã thực hiện xây mới được 353 phòng học; sửa chữa, cải tạo được 403 phòng học cũ, phòng học xuống cấp. Cùng với việc đầu tư, xây dựng phòng, lớp học thì việc bổ sung, mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng dạy học cũng được ngành giáo dục quan tâm. Trong đó chú ý đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các xã khó khăn, xã nông thôn mới, những nơi có điều kiện cơ sở vật chất đã xuống cấp.

Cô giáo Ngô Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học – Trung học cơ sở xã Vân Mộng, huyện Văn Quan cho biết: Từ đầu năm 2018, nhà trường được nâng cấp, xây dựng mới 6 phòng làm việc khu nhà hiệu bộ và 6 phòng học chức năng, với tổng diện tích sàn khoảng 900 m2, thay thế cho các phòng học đã xuống cấp trước đây. Với việc bổ sung, xây dựng cơ sở vật chất kịp thời đã giúp cho công tác giáo dục của nhà trường được thuận lợi hơn.

Tuy nhiên hiện nay với nguồn kinh phí được cấp còn hạn chế, việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp về cơ sở vật chất cho các trường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Theo thống kê hiện toàn tỉnh mới chỉ có 5.421 phòng kiên cố và còn 1.778 phòng bán kiên cố; còn hơn 320 phòng học tạm và trên 370 phòng học mượn, học nhờ. Bên cạnh đó, các công trình phụ trợ phục vụ giáo dục từ phòng ở nội trú, nhà công vụ, nhà bếp, công trình vệ sinh, nước sạch… vẫn còn thiếu. Trong khi yêu cầu để thực hiện chương trình mới là phòng học phải đảm bảo, trang bị đầy đủ thiết bị, máy tính để học sinh tăng thời lượng thực hành. Đây đang là vấn đề nan giải vì nguồn kinh phí còn hạn hẹp, đồng thời quỹ đất dành cho xây dựng trường học các khu vực trung tâm ngày càng khó khăn.

Từ nay đến khi chính thức đưa vào áp dụng đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới không còn dài, bởi vậy trong thời gian tới ngành giáo dục và đào tạo tỉnh sẽ tăng cường rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học theo tinh thần đổi mới. Đồng thời làm tốt công tác vận động xã hội hóa để kêu gọi doanh nghiệp, phụ huynh học sinh tham gia đóng góp, mua sắm trang bị đồ dùng dạy học, xây dựng các thư viện, sân chơi, bãi tập của nhà trường phục vụ cho nhu cầu học tập, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở giáo dục và thực hiện tốt hơn nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.

HOÀNG TÙNG