Thứ sáu,  20/09/2024

Ngành giáo dục và đào tạo: Chủ động chuẩn bị các điều kiện thực hiện chương trình mới

(LSO) – Triển khai nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết, nhất là trường lớp học và đội ngũ giáo viên để bước vào Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới.

     Đội ngũ giáo viên được “trải nghiệm”

Sau 2 năm tiến hành sáp nhập các cơ sở giáo dục, bước vào học kỳ 2 năm học 2018 – 2019, toàn ngành GD&ĐT có 20.987 cán bộ giáo viên, nhân viên, trong đó có 14.813 giáo viên trực tiếp giảng dạy; tăng 182 người so với năm học 2017 – 2018. Do có sự sắp xếp hợp lý đội ngũ giáo viên, nhân viên sau sáp nhập, nên mặc dù số học sinh tăng trên 3.500 em so với năm học trước nhưng ngành vẫn có  đủ giáo viên cơ hữu cho từng môn học của từng cấp học.

Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh về công tác chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành đã xây dựng kế hoạch và triển khai chuẩn bị tốt các điều kiện về đội ngũ để chủ động đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình thay sách giáo khoa mới các cấp học. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của sở tập trung vào các nội dung chủ yếu  trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; đổi mới giáo dục các cấp học.

Giờ học trải nghiệm của học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng tại khuôn viên Tượng đài Hoàng Văn Thụ

Là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, để chuẩn bị tốt nhất cho trẻ bước vào cấp học phổ thông, ngành đã chỉ đạo thực hiện tốt Đề án tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ dân tộc thiểu số, các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục mầm non (GDMN), đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá  theo định hướng phát triển năng lực học sinh, công tác thi THPT Quốc gia, công tác cải cách hành chính… nhằm tạo chuyển biến nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên, về đổi mới căn bản GD&ĐT. Tổ chức góp ý Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; lấy ý kiến góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học.

Trong 5 năm qua, với các mô hình trường học mới và thử nghiệm các phương pháp dạy học tiên tiến, đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên cấp tiểu học, THCS đã được “trải nghiệm” về phương pháp giáo dục mới với các môn học theo hướng tích hợp và gắn với thực tiễn. Đồng chí Hoàng Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Với những kinh nghiệm giảng dạy, tổ chức lớp học; kinh nghiệm đánh giá học sinh theo Thông tư số 22 của Bộ GD&ĐT và được tập huấn chu đáo, tỷ mỷ về chương trình mới, đội ngũ giáo viên cấp tiểu học đã sẵn sàng cho việc giảng dạy sách giáo khoa mới.

     Tăng cường cơ sở vật chất trường lớp học

Sau nhiều năm tập trung các nguồn lực, trong đó chủ yếu là nguồn vốn kiên cố hóa, đến nay toàn ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã có 7.854 phòng học, trong đó có 5.421 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 70%; 1.778 phòng cấp 4, tỷ lệ 22,6%. Phòng học đủ chuẩn về diện tích không những đảm bảo thu hút học sinh mà còn tạo điều kiện để tổ chức các góc học tập, trang trí lớp theo yêu cầu của chương trình mới. Bên cạnh đó, các công trình phụ trợ như phòng thí nghiệm, các phòng dành cho hoạt động thực hành, nhà bếp, nhà ăn, công trình vệ sinh…đã được củng cố và tăng cường. Đây là điều kiện đảm bảo để tổ chức bán trú và thực hiện học 2 buổi/ngày của các cấp học, nhất là cấp tiểu học và THCS.

Song song với mua sắm trang bị vật chất như: phòng học, máy chiếu, thiết bị, sách, tài liệu để tổ chức dạy môn tin học các lớp 3,4,5, các trường THCS và THPT đã áp dụng dạy học tăng thời lượng và đưa vào chương trình phát triển giáo dục nhà trường. Đến hết kỳ I năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh đã có 100% trường THCS và THPT dạy tăng thời lượng, bao gồm 6 buổi/tuần và 2 buổi/ ngày.

Tuy vậy, toàn tỉnh vẫn còn 7,4% phòng học tạm, học nhờ, 240 bếp ăn tạm, 150 đơn vị trường chưa có hệ thống nước sinh hoạt, trên 500 nhà vệ sinh cần được đầu tư. Số lượng thiết bị, nhất là phòng học, máy chiếu, thiết bị tin học, thí nghiệm, học ngoại ngữ…chưa thỏa mãn đầy đủ nhu cầu. Sự thiếu thốn đó đòi hỏi cần phải tiếp tục huy động các nguồn vốn để xây dựng và mua sắm. Có như vậy mới đảm bảo các điều kiện cần thiết cho việc thay sách giáo khoa cấp tiểu học vào năm học 2020 -2021, cấp THCS vào năm học 2021 – 2022 và cấp THPT vào năm học 2022 – 2023.

MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)