Thứ sáu,  20/09/2024

Cấp tiểu học ngành giáo dục và đào tạo Lạng Sơn: Tâm thế mới cho chương trình giáo dục mới

(LSO) – Sau 5 năm thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo nghị quyết của Đảng, với nỗ lực và quyết tâm cao, cấp tiểu học của ngành GD&ĐT Lạng Sơn đã và đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để bước vào thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, thay sách giáo khoa từ lớp 1.

   Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục

Xác định giáo viên là yếu tố quyết định chất lượng và sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục, được sự chỉ đạo  của Vụ Giáo dục Tiểu học và của Giám đốc Sở GD&ĐT, trong 5 năm qua, cấp tiểu học đã có những giải pháp tốt để xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của cấp học. Bước vào năm học 2019-2020, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cấp tiểu học đã cơ bản đủ về số lượng với tỷ lệ 1,49 giáo viên/lớp. Trình độ đào tạo được nâng lên: tỷ lệ cán bộ quản lý có trình độ trên chuẩn đạt 99,4%; với tổng số 4.868 giáo viên, đã có 100% đạt chuẩn, trong đó có 92,6% trên chuẩn. Số giáo viên đạt giỏi cấp trường: 3.236/3.861, tỷ lệ 83,8%. Số giáo viên đạt giỏi cấp huyện 773/1.085, tỷ lệ 71,2%), đáp ứng được yêu cầu quản lý và giảng dạy.

Trường Tiểu học Chi Lăng (thành phố Lạng Sơn) tổ chức cho học sinh trải nghiệm cùng phụ huynh nhân dịp Tết Trung thu 2019

Số cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ A tin học trở lên đạt tỷ lệ 95,5%; tỷ lệ giáo viên biết dạy ứng dụng công nghệ thông tin là 89,2%. Hầu hết các trường đã sử dụng thành thạo các phần mềm Emis, Pmis, phần mềm kế toán… kết nối mạng Internet, lập gmail, thực hiện chế độ thông tin hai chiều giữa các trường với phòng GD&ĐT.

Song song với việc tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ, ngành đã đẩy mạnh bồi dưỡng quản trị trường học cho 296 hiệu trưởng trường tiểu học; bồi dưỡng dạy học tiếng Anh theo tài liệu mới cho 312 giáo viên, tập huấn tin học cho 88  giáo viên; tập huấn dạy học âm nhạc và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp cho 110 giáo viên.  Tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi các môn: tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục… nhằm đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ.

   Đổi mới phương pháp, hình thức dạy học

Sau 7 năm triển khai thực hiện  ở nhiều trường và vận dụng trong toàn cấp học, năm học 2018-2019, mô hình VNEN  tiếp tục được thực hiện ổn định ở 147 trường và trở thành phương pháp tổ chức lớp học ưu việt rất phù hợp với phương pháp dạy học tích  hợp, dạy học theo nhóm bàn. Thông qua hội đồng tự quản, học sinh được thể hiện khả năng của mình, tự tin điều hành tập thể, mạnh dạn thuyết trình trước đông người. “Phương pháp bàn tay nặn bột” là cách dạy học mang tính khoa học cao; trong đó, giáo viên có vai trò dẫn dắt, gợi mở cho học sinh tự khám phá, phát hiện bản chất sự việc hiện tượng… Với sự chủ động, các trường đã xây dựng kế hoạch dạy học, lựa chọn lớp, lựa chọn chủ đề để triển khai, xây dựng góc thực hành thí nghiệm, đồ dùng dạy học cho phương pháp này. Khuyến khích giáo viên tổ chức các giờ học cho học sinh thiết kế, thực hành thí nghiệm với các vật liệu đơn giản dễ thực hiện, thực hiện chủ yếu là môn tự nhiên xã hội lớp 1, 2, 3 và môn Khoa học lớp 4, 5. Các trường triển khai đầy đủ việc dạy học mỹ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch; trong quá trình thực hiện, giáo viên mỹ thuật sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt, bố trí bài dạy theo tinh thần nhóm các bài học thành các chủ đề, lựa chọn các chủ đề, lập kế hoạch cho từng hoạt động hoặc cho toàn quy trình mỹ thuật phù hợp với tình hình thực tế.

Để tiếp cận với việc thực hiện sách giáo khoa mới, ngành chỉ đạo các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, điều chỉnh nội dung, tài liệu, yêu cầu các môn học và các hoạt động giáo dục một cách linh hoạt, giản lược những nội dung quá khó hay trùng lặp nhưng không cắt xén cơ học, đảm bảo tính vừa sức, phù hợp đối tượng học sinh, thời gian thực tế và điều kiện dạy học của địa phương trên cơ sở chuẩn kiến thức kỹ năng và định hướng phát triển năng lực học sinh… Song song với thực hiện có hiệu quả đề án “ Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025”, ngành quan tâm chỉ đạo phát triển văn hóa đọc trong trường tiểu học; nhân rộng mô hình thư viện thân thiện Room To Read để bồi dưỡng tiếng Việt cho các em. Tăng cường dạy học trải nghiệm sáng tạo, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, thời lượng giáo dục ngoài giờ lên lớp là 4 tiết/ tháng, hoạt động  tập thể 2 tiết/ tuần… đã góp phần giảm áp lực học, tạo cho các em tinh thần thoải mái vui tươi “ Học mà chơi, chơi mà học”

Năm học 2018-2019 đã có 100% trường có lớp tiểu học thực hiện xây dựng mô hình trường gắn với hoạt động giáo dục thực tiễn và dạy học. Các mô hình như: trường học vườn thuốc nam, trường học vườn rau, vườn bưởi, vườn chè; mô hình trường học thư viện, trường học gắn với lịch sử địa phương, du lịch cộng đồng… đã tạo được  “thành công kép” trong giáo dục, rèn luyện học sinh.

Bà Dương Hồng Minh, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học – Sở GD&ĐT Lạng Sơn khẳng định: Cùng với việc hoàn thiện và nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thêm trang thiết bị, việc củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ giáo viên và  kết quả của việc đổi mới hình thức và phương pháp dạy học trong những năm qua đã tạo tâm thế mới để  cấp tiểu học Lạng Sơn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới  từ năm học 2020-2021.

MINH HỒNG (TP. Lạng Sơn)