Thứ sáu,  20/09/2024
Các điểm trường ở Bình Gia:

Cần sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa

(LSO)-Để tạo điều kiện cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đến trường, những năm qua, huyện Bình Gia đã mở thêm các điểm trường. Tuy đã được đầu tư nhưng tại các điểm trường vẫn còn thiếu thốn nhiều về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ảnh hưởng đến công tác dạy và học của thầy và trò…


Cô và trò lớp 5 Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học
Hồng Thái, huyện Bình Gia trong giờ học

Còn nhiều khó khăn

Điểm trường Bản Nghiệc, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hồng Thái, huyện Bình Gia là một trong những điểm trường khó khăn nhất, cách trường chính khoảng 4 km. Đường vào điểm trường là đường đất quanh co, nhỏ hẹp. Điểm trường có 35 học sinh, gồm 5 lớp học (trong đó lớp 5 đông nhất có 10 học sinh) với 5 phòng học, trong đó có 3 phòng học tạm được dựng bằng tre, xung quanh được che chắn bằng tấm phên, nền đất, bàn ghế xiêu vẹo. Bên cạnh đó, phòng chờ cho giáo viên cũng chính là khu bếp nấu ăn và nơi để téc nước dự trữ sinh hoạt cho cả thầy và trò nhà trường.

Thầy Hoàng Văn Chu, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hồng Thái cho biết: Trường có 5 điểm trường và 1 điểm chính với 225 học sinh, còn 4 phòng học tạm bợ. Tại các điểm trường gặp nhiều khó khăn như: không đủ diện tích xây dựng, nguồn nước sinh hoạt thiếu thốn hoặc dùng nhờ nhà dân, giao thông đi lại khó khăn. Chính vì vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy, học tập của thầy và trò.

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Bình Gia, trên địa bàn huyện có 141 điểm trường (79 điểm trường tiểu học và 62 điểm trường mầm non), trong đó vẫn còn 25 phòng học tạm. Hầu hết các điểm trường đều trong tình trạng thiếu phòng học, phải học lớp ghép hoặc các phòng học đã được làm từ lâu nên cơ sở vật chất xuống cấp. Do phòng học nhỏ hẹp, không đủ chuẩn nên giáo viên khó thực hiện việc học theo nhóm. Các điểm trường xa trung tâm xã từ 3 – 5 km trở lên, giao thông đi lại khó khăn, đa số các điểm trường không đủ diện tích để làm sân chơi, bãi tập, công trình phụ hoặc công trình tạm bợ, không có tường rào bao quanh. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy cũng thiếu thốn như không có phòng tin học, học tiếng Anh không có các thiết bị máy móc, máy chiếu…

Cần sự chung tay hỗ trợ

Nhằm khắc phục khó khăn, thiếu thốn tại các điểm trường, trong những năm qua, Phòng GD&ĐT huyện Bình Gia đã tích cực kêu gọi, vận động xã hội hóa để xây dựng các phòng học tại các điểm trường, mua sắm trang thiết bị đồ dùng học tập. Đơn cử như, từ năm 2018 đến tháng 9/2019, Phòng GD&ĐT huyện Bình Gia đã tiếp nhận các nguồn xã hội hoá, xây dựng và bàn giao 14 phòng học cho các điểm trường trong huyện với tổng trị giá 1,9 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức thiện nguyện còn tặng quần áo ấm, đồ dùng học tập cho các em học sinh. Tuy đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, tổ chức thiện nguyện nhưng hiện nay, Bình Gia vẫn còn 25 phòng học tạm và còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…

Bà Đặng Thị Tới, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Gia cho biết: Trong thời gian tới, phòng tiếp tục kêu gọi vận động các cấp, ngành, tổ chức thiện nguyện ủng hộ, xã hội hóa công tác giáo dục. Đồng thời, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, ngành để giáo viên, học sinh tại các điểm trường có điều kiện nâng cao chất lượng dạy và học.

ĐĂNG THÙY