Thứ sáu,  20/09/2024

Dạy và học thời Covid-19

(LSO) – Bên cạnh việc phòng dịch Covid-19, để kịp thời ứng phó với tình hình mới, nhiều trường ở khu vực thành phố đã chuyển sang hình thức học qua mạng, nhằm để học sinh không bị hổng kiến thức. Tuy nhiên với các trường vùng khó, việc tổ chức ôn tập khá khó khăn, thường việc ôn tập lại kiến thức sẽ được các trường thực hiện khi các em đi học trở lại.

Để phòng tránh lây lan dịch bệnh Covid-19 trong trường học, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã đưa ra giải pháp tạm thời cho các cơ sở giáo dục và học sinh nghỉ học. Quyết định này nhận được sự đồng thuận của phụ huynh. Tuy nhiên, thời gian nghỉ học kéo dài sẽ khiến học sinh không có sự liên tục trong việc học và không chuẩn bị tốt về kiến thức, tâm lý cho các kỳ thi. Do đó, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường chủ động kết nối với phụ huynh học sinh qua email chung của lớp hay các nhóm chat zalo, fcebook… thông báo tới từng phụ huynh, học sinh về kế hoạch, chương trình học của nhà trường, đặc biệt là giao các bài ôn tập trong thời điểm phòng chống dịch.

Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn tổ chức phun khử khuẩn trường, lớp học để đón học sinh quay lại trường học

Thực tế là với các trường ở thành phố, việc triển khai dạy học qua mạng, giao bài tập và kiểm tra, đánh giá hằng ngày qua mạng có thể triển khai. Tuy nhiên, điều này lại khó thực hiện đối với giáo viên và học sinh các trường vùng khó. Chính vì vậy, việc lên kế hoạch bù đắp kiến thức khi học sinh trở lại trường sau thời gian nghỉ phòng chống dịch bệnh vẫn là phương án tối ưu mà nhiều trường ở khu vực này tính đến.

Theo khảo sát, đa số các em học sinh ở khu vực vùng sâu, vùng xa khi nghỉ học, khó có điều kiện ôn luyện qua mạng vì nhiều lý do như: học sinh nhỏ tuổi, chưa sử dụng được máy tính; gia đình học sinh không sử dụng điện thoại thông minh hay máy tính; không có kết nối Internet… Anh Lăng Văn Nghiệp, xã Hải Yến, huyện Cao Lộc chia sẻ: Tôi có con đang học lớp 5, Trường Tiểu học xã Hải Yến, nhưng do nhà không có thiết bị kết nối Internet nên không thể nhận được tài liệu ôn tập cho con. Bởi thế,  giáo viên đã nhắn tin cho phụ huynh ở nhà chú ý nhắc nhở các cháu dành thời gian học lại các bài trong sách giáo khoa để không quên kiến thức.

Lường trước các khó khăn ở các trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa điều kiện đi lại khó khăn nên ngay khi có quyết định nghỉ học đợt 2, ban giám hiệu các trường đã chủ động phân công giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn thành lập các nhóm học sinh theo khu vực dân cư nơi các em cư trú, từ đó liên hệ với phụ huynh, học sinh để giao bài ôn tập và nhận kết quả trả bài.

Thầy Đinh Văn Phúc, giáo viên Trường THCS Tân Tiến, huyện Tràng Định cho biết: Ở khu vực vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, nhiều phụ huynh học sinh không có các phương tiện thông tin hiện đại, việc giao bài tập cho các em thông qua email hay các trang tin khác cũng khó thực hiện. Do vậy, với những phụ huynh có điều kiện, giáo viên sẽ giao bài qua zalo của phụ huynh, yêu cầu học sinh làm ra giấy, sau đó chụp lại kết quả gửi cho giáo viên. Những học sinh ở gần trường thì giáo viên in, phô tô bài tập và chuyển tận nhà cho các em làm. Những học sinh ở bản xa, không có sóng điện thoại thì giáo viên chỉ có thể xây dựng kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức cho các em khi các em đi học trở lại. Mặc dù sẽ vất vả hơn nhưng đây là phương án duy nhất mà các giáo viên ở đây có thể thực hiện.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã quyết định cho học sinh các khối mầm non, tiểu học, THCS tiếp tục nghỉ học đến hết ngày 8/3/2020. Đồng thời, yêu cầu trong thời gian này, các trường cần tiếp tục thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh lớp học, trang thiết bị dạy học và các đồ dùng, phương tiện phục vụ học sinh. Đối với học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp, sinh viên cao đẳng tới trường học tập bình thường từ ngày 2/3/2020, cần tiếp tục tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho học sinh; linh hoạt trong việc tận dụng thời gian học ngày, giảm các tiết sinh hoạt ngoài trời để tổ chức ôn luyện theo phương pháp phù hợp; qua đó tránh được việc dồn ép kiến thức, đảm bảo chất lượng học tập của học sinh.

HOÀNG TÙNG