Thứ sáu,  20/09/2024

Hiệu quả bước đầu trong phân luồng học sinh sau trung học cơ sở

(LSO) – Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và giảm tải đào tạo cho bậc THPT, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác phân luồng sau trung học cơ sở (THCS), qua đó đạt những kết quả khả quan.

Trong những năm qua, việc thực hiện kế hoạch, lộ trình phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh vẫn gặp không ít khó khăn. Hầu như học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, tỷ lệ học sinh sau THCS học các hệ nghề nghiệp còn thấp so với chỉ tiêu đề ra.

Học sinh được tham gia tư vấn nghề tại ngày hội việc làm tổ chức tại trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn

Trước thực tế đó, thời gian qua, Sở GD&ĐT tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các trường học tuyên truyền, đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp và tư vấn phân luồng học sinh; phối hợp với ngành lao động – thương binh và xã hội (LĐTB&XH) đầu tư, bổ sung trang thiết bị đào tạo theo hướng hiện đại. Trong đó, việc tổ chức hướng nghiệp cho học sinh được thực hiện trong cả giai đoạn học tập từ năm lớp 6 chứ không chỉ là năm cuối cấp lớp 9. Đồng thời tổ chức cho học sinh lớp 8 và 9 cùng phụ huynh đến tham quan, trải nghiệm tại trường nghề; thành lập các tổ tuyên truyền, tư vấn phân luồng sau THCS; phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN – GDTX) tư vấn, giúp học sinh tự nhận biết khả năng của mình, chọn đúng hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường và nhu cầu lao động của xã hội.

Thời gian qua, các trung tâm GDNN – GDTX và trường nghề trên địa bàn tỉnh đã chú trọng hơn đến việc cung cấp thông tin nghề nghiệp cho các em học sinh, gắn kết chặt chẽ giữa các nhà trường với cơ sở GDNN. Cùng đó, tuyên truyền cho các em hiểu về mô hình đào tạo 9+, kết hợp học văn hóa với học nghề, sau 3 năm học, khi tốt nghiệp, học viên được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề và bằng tốt nghiệp GDTX cấp THPT, có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX huyện Cao Lộc cho biết: Để đảm bảo công tác tuyển sinh, nhà trường đã phối hợp với các trường THCS trên địa bàn đến trực tiếp tư vấn cho học sinh và phụ huynh về kế hoạch học tập cũng như dạy nghề của nhà trường. Cùng với đó, nhà trường  liên kết với các trường cao đẳng, đại học về thực hiện liên kết đào tạo… nên công tác tuyển sinh của nhà trường đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Nếu trước đây, việc tuyển sinh khá khó khăn thì 3 năm học gần đây, nhà trường luôn đạt chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp từ 300 học sinh trở lên.

Với các cách làm đó, những năm học gần đây, số lượng học sinh sau THCS trên địa bàn tỉnh đăng ký tham gia học nghề đã có sự chuyển biến tích cực. Nếu như năm học 2015 – 2016, toàn tỉnh chỉ có 8,9% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS tham gia học tại các trung tâm GDNN – GDTX và trường nghề, thì từ năm học 2018 – 2019 đến nay, tỷ lệ học sinh lớp 9 đăng ký học chương trình GDNN – GDTX và trường nghề đã tăng lên hơn 9,5%. Năm học 2020 – 2021, toàn tỉnh có 9.079 học sinh trong tổng  số hơn 10.700 học sinh khối lớp 9 (chiếm 84,95%) đăng ký dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT; trên 1.600 học sinh lớp 9 (gần 15%) đăng ký tuyển sinh vào các trường nghề, tăng khoảng 6% so với năm học 2019 – 2020.

Em Nông Văn Huế, học viên Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Nghề Lạng Sơn cho biết: Trong quá trình học tại trường nghề, em thường xuyên được tham gia thực hành tay nghề tại các xưởng cơ khí để giúp em nâng cao tay nghề. Em nghĩ vừa học văn hóa vừa học nghề là một lựa chọn đúng đắn của gia đình và bản thân em nhất là trong lúc nhu cầu xã hội cần nhiều công nhân được đào tạo bài bản như hiện nay.

Những giải pháp, cách làm của các cấp, ngành liên quan đã có tác động tích cực, hiệu quả trong công tác phân luồng học sinh sau THCS. Thời gian tới, công tác này tiếp tục được quan tâm và đẩy mạnh thực hiện, qua đó sẽ mang lại hiệu quả tích cực hơn nữa, ngày càng có nhiều học sinh tốt nghiệp THCS tự tin học văn hóa kết hợp với học nghề.

HOÀNG TÙNG