Thứ sáu,  20/09/2024

Linh hoạt trong dạy học Tiếng Việt lớp 1

(LSO) – Thời gian qua, trước những bất cập trong các bài học của các bộ sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt lớp 1, các nhà trường và giáo viên trên địa bàn tỉnh đã chủ động điều chỉnh, thay thế và linh hoạt giảng dạy nhằm đáp ứng hiệu quả công tác giáo dục.

Sau gần 2 tháng dạy học chương trình SGK môn Tiếng Việt lớp 1 mới, hầu hết các giáo viên cho rằng chương trình giúp học sinh biết vận dụng 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Tuy nhiên, chương trình mới có xu hướng tăng nội dung học trong ngày, lượng kiến thức trong một tuần là rất lớn, cuối tuần, học sinh phải hệ thống lại nhiều bài viết. Bên cạnh đó, có bộ sách sau khi giảng dạy thực tế và khảo sát đã phát hiện nhiều nội dung không phù hợp với công tác giáo dục tại địa phương.

Học sinh lớp 1A Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, thành phố Lạng Sơn trong giờ tập đọc môn Tiếng Việt

Trước những vấn đề đó, các nhà trường đang chủ động điều chỉnh nội dung, kế hoạch dạy, học. Cô Nguyễn Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cho biết: Đối với môn Tiếng Việt, nhà trường chọn bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”. Qua giảng dạy và khảo sát, một số bài học có số tiết nhiều hơn, cụ thể như phần học vần đối với sách cũ là 220 – 240 tiết, nhưng ở bộ sách mới này là hơn 300 tiết. Cùng đó, tại chương trình SGK cũ, mỗi ngày với 2 tiết Tiếng Việt, học sinh học 2 âm cùng 4 – 5 từ đơn giản, một câu ngắn gọn. Đối với bộ sách mới, mỗi buổi học, học sinh phải học 2 – 3 âm sau đó ghép vần, viết bảng, đọc cả đoạn văn rồi trả lời câu hỏi. Để đảm bảo việc dạy tốt, các giáo viên đã chủ động thực hiện giãn bài học; buổi sáng cho học sinh tập đọc, ghép vần, buổi chiều thực hành luyện viết và đọc đoạn văn để tránh quá tải cho các em.

Liên quan đến những ý kiến về “sạn” trong bộ SGK mới lớp 1, có một số nội dung chưa phù hợp (chủ yếu trong bộ Cánh diều), trong khi chờ nhà xuất bản hiệu chỉnh, theo sự chỉ đạo, giáo viên các trường đã chủ động thay thế các từ ngữ, bài học trong SGK sao cho phù hợp với địa phương. Cô Nguyễn Thị Hạnh, tổ giáo viên cốt cán Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Tràng Định cho biết: Hiện có 14/26 trường tiểu học trên địa bàn huyện dạy bộ môn Tiếng Việt lớp 1 của bộ Cánh diều. Sau thời gian dạy và khảo sát đánh giá, có một số nội dung bài chưa phù hợp như: bài “Cua, cò và đàn cá” trang 115, bài “Hai con ngựa” trang 157, bài “Lừa, thỏ và cọp” trang 163… được giáo viên các trường tạm thời thay bằng các bài học của bộ sách giáo khoa cũ. Đối với một số từ tập đánh vần khó hiểu, ít dùng như từ “nhá”, “nom”, “quà… quà”, “chén”, “lỡ xô”, “tợp”, “chả”… giáo viên chủ động tra trên mạng, tìm từ thay thế hoặc sử dụng âm tập đánh vần từ sách tham khảo cho phù hợp hơn.

Học sinh khối 1, Trường Tiểu học Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn ôn bài tại nhà

Về phía Sở GD&ĐT, từ đầu năm học 2020 – 2021 đến nay, sở đã nhiều lần tổ chức hội thảo trao đổi công tác chuyên môn khối tiểu học, qua đó đánh giá những khó khăn, bất cập trong triển khai dạy học chương trình mới để đưa ra phương pháp dạy học phù hợp nhất… Ông Hồ Công Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Vì đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục mới đối với lớp 1 nên giáo viên phải vừa dạy vừa rút kinh nghiệm để điều chỉnh. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, sau khi khảo sát, kiểm tra về việc dạy học lớp 1 theo chương trình SGK mới, sở đã chỉ đạo các nhà trường trong thời gian chờ đợi nhà xuất bản có tài liệu chỉnh sửa SGK mới nhất là môn Tiếng Việt lớp 1, các trường chủ động tổ chức sinh hoạt chuyên môn, lược bỏ những từ ngữ chưa phù hợp, bám chuẩn đầu ra để dạy học phù hợp năng lực học sinh, đáp ứng tốt nhất với chương trình mới.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh về danh mục lựa chọn SGK mới lớp 1 của các trường, đối với môn Tiếng Việt có 247 trường chọn bộ “Cùng học để phát triển năng lực”, 1 trường chọn bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và 14 trường chọn bộ “Cánh diều”.
HOÀNG TÙNG