Thủ đoạn lôi kéo ngày càng tinh vi

Tính đến cuối năm 2020, theo thống kê của Bộ Công an-Cơ quan thường trực về PCMT của Ủy ban Quốc gia, nước ta có 235.012 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, trên thực tế, số người nghiện và nghi nghiện ở nước ta còn cao hơn. Điều đáng nói, thành phần người nghiện rất đa dạng và đang trong độ tuổi rất trẻ.

PGS, TS Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng, chống ma túy (PSD) chia sẻ: “Các em đã bị sa vào ma túy và cạm bẫy của những người xấu với những thủ đoạn tinh vi, có tổ chức. Qua khảo sát, phần lớn học sinh thiếu kỹ năng phòng ngừa ma túy, không biết cách ứng xử an toàn trong các hoàn cảnh, tình huống có nguy cơ cao liên quan đến ma túy; thậm chí không có khả năng nhận diện thế nào là ma túy và những sản phẩm liên quan đến ma túy.

Điều đáng lo ngại là những đối tượng buôn bán và sử dụng ma túy trái phép lại quá tinh vi trong quá trình đầu độc các em. Chúng trá hình ma túy dưới dạng những món đồ ăn, thức uống yêu thích của lứa tuổi học đường như kẹo dẻo, trà sữa… Loại ma túy chúng sử dụng thường là những loại có độc tố cực mạnh, gây nghiện ngay lần sử dụng đầu tiên, khiến người dùng không thể kiểm soát được bản thân”.

“Vaccine” ngừa ma túy học đường
Học sinh cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về phòng, chống ma túy.

Các đối tượng buôn bán ma túy không từ thủ đoạn nào để lôi kéo, dụ dỗ. Mạng xã hội hiện nay đang là môi trường béo bở, được các đối tượng khai thác triệt để. Sinh viên Trần Anh Dũng, Lớp Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa 06-K62, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Các đối tượng xấu lợi dụng những hội, nhóm để lôi kéo, dụ dỗ thêm nhiều người nghiện ma túy. Hiện có những fanpage nhiều người tham gia cổ xúy cho hành vi sử dụng ma túy. Trên những trang đó, thường xuyên đăng tải những thông tin về việc mua bán hạt giống và cây cần sa, công thức điều chế nấm ma túy…”.

Xây dựng “hệ miễn dịch”

Từng là nạn nhân của ma túy khi còn là sinh viên, TS Lê Trung Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện PSD hơn ai hết hiểu rất rõ sự tàn phá khốc liệt của ma túy tới sức khỏe, niềm tin và những hoài bão tuổi trẻ. Bởi vậy, giá trị lớn lao của các hoạt động PCMT trong lứa tuổi học sinh, sinh viên là từng bước hình thành cơ chế chủ động tự phòng vệ ma túy trong học sinh, cán bộ quản lý giáo dục và phụ huynh học sinh, từ đó lan tỏa, tạo ra làn sóng mạnh mẽ tham gia PCMT, hình thành hệ “miễn dịch” với ma túy trong cộng đồng. “Mỗi đô la dành cho phòng ngừa sẽ tiết kiệm ít nhất hàng trăm đô la cho chi phí y tế, xã hội và xử lý tội phạm sau này”, TS Lê Trung Tuấn chia sẻ.

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, Hà Nội luôn coi nội dung giáo dục phòng, chống tội phạm nói chung, tệ nạn ma túy nói riêng là ưu tiên quan trọng. Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: “Toàn ngành tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp cơ bản, bảo đảm thống nhất từ công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp với các lực lượng đến việc triển khai tại từng nhà trường trong công tác PCMT đối với học sinh. Việc nâng cao nhận thức, bổ sung những kiến thức còn thiếu cho các em được thực hiện tích hợp trong một số môn học chính khóa như: Giáo dục công dân, Địa lý, Sinh học, Ngoại ngữ”.

Chỉ ra sự phức tạp trong công tác PCMT hiện nay, anh Bùi Quang Huy, Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn cho rằng: “Thời gian tới, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của ma túy và cách PCMT, Trung ương Đoàn tăng cường chỉ đạo các cấp bộ đoàn sử dụng cả môi trường mạng để đấu tranh”. Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: “Một trong những điểm mới đáng chú ý trong công tác PCMT, tệ nạn xã hội trong trường học năm 2021 là việc học sinh lần đầu tiên được tiếp cận bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”. Đây là bộ tài liệu dành cho học sinh THCS, THPT, giáo viên và phụ huynh mang tính chuyên sâu, giúp người đọc nhận thức rõ tác hại của ma túy và hướng dẫn chi tiết về kỹ năng phòng ngừa các nguy cơ, tình huống không an toàn”. Nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng cho học sinh, chính là tạo ra loại “vaccine” để PCMT một cách hiệu quả, góp phần đưa mục tiêu trường học không ma túy trở thành hiện thực.

Theo PSD, chỉ có 4,5% số học sinh được khảo sát cho rằng mình có những kiến thức đầy đủ về các chất ma túy; trong khi đó có tới 42,2% số người cho biết không hiểu biết về nội dung này. Về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và các kỹ năng PCMT, có tới 44% học sinh cho rằng mình không hiểu biết gì, gần 40% khẳng định mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng tránh ma túy.