Thứ năm,  19/09/2024

Xét đặc cách tốt ngiệp THPT: Đảm bảo quyền lợi cho thí sinh

Việc tham gia tuyển sinh ĐH, CĐ của thí sinh được đặc cách tốt nghiệp chỉ gặp khó khăn khi tham gia xét tuyển bằng phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn các trường để tạo điều kiện, đảm bảo công bằng cho các thí sinh này.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH dành chỉ tiêu, bổ sung phương thức xét tuyển để các thí sinh thi đợt 2, được đặc cách tốt nghiệp có cơ hội xét tuyển. Ảnh minh hoạ
Năm nay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhiều thí sinh không thể tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 vì nằm trong vùng dịch. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các Sở GD&ĐT căn cứ vào các quy chế hiện hành để xét đặc cách tốt nghiệp cho các thí sinh đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT nhưng không thể dự thi.

Bộ GD&ĐT cũng đã điều chỉnh thời gian xét tuyển ĐH, CĐ năm 2021 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Song song với đó, để các thí sinh thuộc diện được xét đặc cách tốt nghiệp THPT không bị ảnh hưởng và mất cơ hội tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ mà mình mong muốn, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường ĐH dành chỉ tiêu, bổ sung phương thức xét tuyển cho các thí sinh thi đợt 2, được đặc cách tốt nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Minh Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, với thí sinh được đặc cách tốt nghiệp, việc tham gia tuyển sinh của các em chỉ gặp khó khăn khi tham gia xét tuyển bằng phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Hiểu được nỗi lo lắng này, Bộ GD&ĐT cũng đã có hướng dẫn các trường thực hiện như sau: Đối với các ngành xét tuyển bằng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, có thí sinh được đặc cách tốt nghiệp đăng ký xét tuyển, thì các trường phải dành chỉ tiêu theo tỉ lệ thí sinh đặc cách/tổng số thí đăng ký xét tuyển của ngành ở các phương thức khác để các thí sinh đặc cách có cơ hội xét tuyển như các thí sinh đã thi tốt nghiệp THPT.

Đối với các phương thức khác mà các trường ĐH đã thông báo xét tuyển ban đầu, như xét kết quả học tập THPT (học bạ), xét từ kỳ thi đánh giá năng lực… thì các em vẫn tham gia xét tuyển như các bạn khác.

Các lịch tuyển sinh điều chỉnh theo tình hình dịch

Theo Công văn số 3190/BGDĐT-GDĐH về công tác tuyển sinh năm 2021 trong tình hình dịch COVID-19, lịch tuyển sinh năm 2021 được điểu chỉnh cụ thể như sau: Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe từ ngày 3/8 sang ngày 26/8. Điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng Thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của các trường từ ngày 5/8 sang ngày 28/8.

Thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (thí sinh chỉ được điều chỉnh theo phương thức trực tuyến). Thí sinh điều chỉnh sai sót liên quan đến ưu tiên đối tượng, khu vực (thực hiện bằng phiếu và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ): Từ ngày 7 đến 17/8 sang ngày 29/8 đến 5/9. Công bố kết quả trúng tuyển đợt 1: Từ ngày 23/8 sang ngày 16/9.

Xác nhận nhập học đợt 1: Từ ngày 1/9 sang ngày 26/9. Xét tuyển bổ sung (các trường chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 15 ngày so với ngày xét tuyển): Từ ngày 8/9 sang ngày 3/10.

Đối với thí sinh đợt 2, Bộ GD&ĐT đã có công văn điều chỉnh lịch tuyển sinh sẽ xét tuyển chung với đợt 1 đảm bảo quyền lợi cho các em. Riêng thí sinh được đặc cách thì sẽ tham gia xét tuyển theo hướng dành riêng cho thí sinh được đặc cách tốt nghiệp THPT của các trường ĐH, CĐ.

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH dành chỉ tiêu, bổ sung phương thức xét tuyển để các thí sinh thi đợt 2, được đặc cách tốt nghiệp có cơ hội xét tuyển.

Phương thức xét tuyển kết quả học tập THPT (học bạ) là một phương thức được quy định trong quy chế tuyển sinh do Bộ GD&ĐT ban hành. Trong quy chế đã quy định rõ ràng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho tất cả các ngành. Bên cạnh đó, còn có mức điểm trúng tuyển được xác định theo từng ngành. Các yếu tố này kết hợp lại vẫn đảm bảo đầu vào để các thí sinh tham gia học tập tại trường. Các trường có thể yên tâm sử dụng phương thức này để tuyển sinh.

Theo Baochinhphu