Thứ năm,  19/09/2024

Tổng kết 1 năm thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

– Sáng nay (20/8), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 1 năm thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu Hà Nội có đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.

Tại điểm cầu Lạng Sơn, dự hội nghị có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.


Đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Lạng Sơn

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2020 – 2021, toàn quốc có 14.786 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học (số lớp 1 là 54.428 lớp) với 16.323 điểm trường.

Để đảm bảo thực hiện tốt Chương trình, sách giáo khoa mới lớp 1, đối với công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trên cơ sở nguồn vốn được giao, các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu dạy học theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; 100% trường tiểu học ưu tiên thực hiện đảm bảo tỉ lệ 1 phòng học/lớp; 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày.

Đối với công tác chuẩn bị sách giáo khoa, các nhà xuất bản đều đảm bảo cung cấp đầy đủ sách giáo khoa đúng tiến độ, đảm bảo đủ sách giáo khoa cho học sinh. Công tác chuẩn bị đội ngũ cán bộ, giáo viên đã được các địa phương linh hoạt triển khai và bố trí đủ số lượng giáo viên/lớp theo mức quy định để dạy học lớp 1 năm học 2020 – 2021.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, để chuẩn bị cho chương trình, sách giáo khoa mới lớp 1, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất đảm bảo đủ 1 phòng/lớp và dạy học 2 buổi/ngày; 100% học sinh lớp 1 có đủ đồ dùng học tập, sách giáo khoa.

Qua nghe báo cáo, đại biểu ở các điểm cầu đã phát biểu nêu lên những điểm thuận lợi và khó khăn trong tổ chức triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đối với lớp 1, tập trung vào công tác chuẩn bị đội ngũ và chuẩn bị cơ sở vật chất. Cùng đó đề xuất một số giải pháp để triển khai hiệu quả chương trình năm học mới 2021 – 2022.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá cao sự chủ động của các địa phương trong công tác triển khai và thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 trong năm học 2020 – 2021 vừa qua. Trong đó, các địa phương và ngành giáo dục đã thực hiện nghiêm túc, công phu, bài bản, chất lượng về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đồng chí đề nghị: Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT và các địa phương cần tiếp tục triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục, nhất là trong công tác triển khai Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018 ở khối lớp 2, lớp 6 trong năm học mới.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị: Trong năm học mới 2021 – 2022, các địa phương cần thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, linh hoạt thực hiện các mục tiêu giáo dục. Ngành giáo dục cần bám sát, chắc mục tiêu, triết lý đổi mới, từ truyền thụ bị động sang phát huy năng lực chủ động của học sinh; tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia giáo dục vào thực hiện soạn thảo sách giáo khoa và tài liệu địa phương; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông… Đồng thời tiếp thu các kiến nghị của các địa phương để đưa ra giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

THU HIỀN - THẢO NGUYÊN