Thứ tư,  18/09/2024

Gỡ khó trong thực hiện quyết định 861: Cách làm của ngành giáo dục và đào tạo

– Quyết định 861 đã có nhiều tác động đến các chính sách hỗ trợ học sinh, nhất là học sinh các trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT). Trước mắt, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã chủ động đưa ra các giải pháp từng bước gỡ khó trong thực hiện chính sách, để học sinh yên tâm học tập. 

Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2025” và Quyết định số 433/QĐ-UBDT ngày 18/6/2021, từ ngày 1/7/2021, tỉnh Lạng Sơn có 22 trường học không đảm bảo điều kiện của trường PTDTBT. Đồng thời các trường này không được hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng học tập, hỗ trợ kinh phí nấu ăn và các chính sách khác. Học sinh ở những trường này sẽ không được miễn, giảm 70% học phí như trước; không được hỗ trợ 569.000 đồng và 15 kg gạo mỗi tháng theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ. Cùng đó, học sinh mầm non sẽ không còn được hỗ trợ tiền ăn bữa trưa với mức 160.000 đồng/học sinh/tháng và nhà trường cũng không được hỗ trợ kinh phí nấu ăn cho trẻ theo Nghị định 105 năm 2020 của Chính phủ. Theo rà soát của ngành GD&ĐT, ngay trong học kỳ I năm học 2021 – 2022, toàn tỉnh sẽ có 6.998 học sinh không còn trong diện được miễn giảm 70% học phí; có 3.003 học sinh mầm non không còn được hỗ trợ tiền ăn trưa; 12.604 học sinh không được hỗ trợ gạo và tiền ăn bán trú.

Học sinh Trường Tiểu học – THCS Cao Minh, huyện Tràng Định không còn được hưởng chế độ bán trú trong năm học mới 2021 – 2022. (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Trước những tác động trên, ngành GD&ĐT tỉnh đã và đang xem xét đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt, cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo yêu cầu phục vụ tốt nhiệm vụ GD&ĐT trên địa bàn. Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để tháo gỡ những khó khăn này, ngành đã thống kê, khảo sát để tham mưu cho UBND tỉnh và các ban, ngành liên quan xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các trường không còn được hưởng chế độ; phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã vận động xã hội hóa, xây dựng các mô hình hỗ trợ học sinh vùng khó để huy động phụ huynh cùng chung tay với nhà trường thực hiện bán trú; đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động, giải thích đầy đủ kịp thời cho phụ huynh, học sinh về Quyết định này, nhằm đảm bảo công tác phổ cập giáo dục.

Được biết, thời gian gần đây, Sở GD&ĐT đã đề nghị các phòng GD&ĐT, các đơn vị trường học bị ảnh hưởng chủ động phối hợp với UBND các xã tuyên truyền chính sách, sự thay đổi vùng đến các bậc phụ huynh. Trong năm học mới 2021 – 2022, khi không có sự hỗ trợ của Nhà nước, Sở GD&ĐT cũng dự tính các trường ở những xã bị ảnh hưởng có thể quay trở lại thực hiện mô hình trường học bán trú dân nuôi (phụ huynh đóng góp gạo, thực phẩm) để học sinh yên tâm học tập, bám lớp, bám trường. Trước mắt, để đảm bảo công tác huy động học sinh ra lớp và tỉ lệ chuyên cần cho năm học 2021 – 2022, ngoài việc tuyên truyền, ngành GD&ĐT sẽ tăng cường huy động xã hội hóa, phối hợp với phụ huynh học sinh tiếp tục tổ chức nấu ăn cho học sinh ở 22 trường (nguyên là trường bán trú) bị ảnh hưởng tương tự như đối với việc tổ chức bán trú cho trẻ mầm non… nhằm đảm bảo ổn định tỉ lệ huy động học sinh ra lớp.

Bà Nông Thuý Hiền, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tràng Định cho biết: Theo Quyết định 861, toàn huyện có hơn 2.000 học sinh bị ảnh hưởng, nhất là những học sinh đang trong diện học bán trú. Để giải quyết bài toán này, vừa qua, phòng đã chỉ đạo các nhà trường thông tin cho phụ huynh bằng nhiều hình thức để phụ huynh nắm và chuẩn bị các điều kiện cho con đến trường. Năm học tới, phòng sẽ yêu cầu các trường khởi động lại chương trình “Hũ gạo phổ cập”, vận động xã hội hoá để hỗ trợ chi phí học tập cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc sinh sống ở những vùng vừa chuyển đổi từ vùng II, vùng III lên vùng I.

Từ thực tế có thể thấy, việc triển khai thực hiện Quyết định số 861 trên địa bàn tỉnh sẽ còn những vấn đề đặt ra. Bởi vậy, cùng với các giải pháp tình thế được đưa ra, hiện nay ngành GD&ĐT tỉnh đang tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh nghiên cứu, xem xét thực hiện một số cách làm phù hợp hoặc ban hành các chế độ, chính sách hợp lý để hỗ trợ học sinh những địa bàn mới chuyển vùng có điều kiện học tập ổn định nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ dạy và học trong năm học 2021 – 2022.

HOÀNG TÙNG