Sinh viên ít cơ hội thực hành

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn tới thị trường lao động khi sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng do chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng, thiếu kiến thức thực hành trong môi trường làm việc thực tế. Theo kế hoạch, giờ này sinh viên Hoàng Đức Minh, năm thứ ba ngành quản trị dịch vụ du lịch-lữ hành, Trường ĐH Thăng Long có lẽ đã tích lũy được kha khá kinh nghiệm sau hai tháng thực tập ở một nhà hàng, khách sạn hay công ty lữ hành nào đó. Vậy mà mọi thứ giờ vẫn chỉ là những bài học qua mạng. Đức Minh chia sẻ: “Với việc học “chay”, trước mắt sinh viên sẽ không đủ điều kiện số giờ thực hành để hoàn thiện hồ sơ, được phép thi tốt nghiệp vào năm tới. Về lâu dài, việc thiếu kỹ năng thực tế sẽ khiến sinh viên càng khó xin việc trong thời buổi cạnh tranh”.

Ứng phó với việc sinh viên không thể tới trường, Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã đầu tư phòng quay, ghi lại các bài giảng và trực tiếp giảng dạy trực tuyến. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hường, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đặc điểm của trường kỹ thuật theo định hướng ứng dụng là số giờ thực hành tương đối nhiều, bao gồm thực hành tư duy và thực hành thao tác kỹ thuật. Chỉ những học phần lý thuyết và thực hành tư duy nhà trường mới tổ chức đào tạo trực tuyến, các học phần thực hành thao tác kỹ thuật phải học trực tiếp mới bảo đảm chất lượng đào tạo”.

Giải bài toán thực hành cho sinh viên
Sinh viên những ngành thuộc khối tự nhiên gặp khó khăn nếu thiếu các giờ thí nghiệm, thực hành. 

Với mô hình xây dựng thư viện học liệu số hỗ trợ người học, hầu như các học phần trong chương trình đào tạo của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đều có tài liệu tham khảo và bài giảng điện tử. Trường cũng tăng cường các hoạt động thực hành ảo. Tuy nhiên, việc này không thể thay thế hoàn toàn cả về chất lẫn lượng các giờ thí nghiệm, thực hành trong khung chương trình. PGS, TS Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Hiện nay, các giờ thực hành nếu bắt buộc phải triển khai trong phòng thí nghiệm vẫn phải tạm hoãn. Chúng tôi hy vọng tình hình dịch bệnh sẽ được kiểm soát để sinh viên có thể học trực tuyến kết hợp với học trên lớp vào cuối học kỳ”.

Gỡ khó cùng người học

Trong bối cảnh sinh viên gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận các cơ hội học tập trực tiếp và học từ thực tế, đối diện với nguy cơ thất nghiệp cao, họ cần sự hỗ trợ toàn diện để thích ứng với thị trường lao động.

Nhận định đây là khó khăn chung cho tất cả các trường và sinh viên, TS Hà Thúc Viên chia sẻ về cách làm của Trường Đại học Việt Đức. Đó là chuyển đổi phương thức thực tập cho sinh viên từ môi trường thực sang môi trường ảo. Các ngành học phần lớn đều có phần mềm mô phỏng, giúp các em làm luận văn tốt nghiệp trên môi trường ảo. Tuy nhiên, với việc học này, sinh viên khó có thể có những kiến thức, trải nghiệm như tiếp cận môi trường thực tập thật. Do vậy, rất mong các doanh nghiệp đồng hành với nhà trường, chuẩn bị các khóa huấn luyện thực tế khi tiếp nhận lứa sinh viên tốt nghiệp trong giai đoạn dịch Covid-19 làm việc sau khi kết thúc thời gian giãn cách xã hội.

Trong khi đó, Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội đã tận dụng trung tâm sản xuất dịch vụ chuyên sản xuất các sản phẩm xuất khẩu, với đầy đủ trang thiết bị, công nghệ hiện đại để làm nơi thực tập cho sinh viên. Ngoài ra, nhà trường còn bố trí sinh viên đi thực tập “ba tại chỗ” ở những doanh nghiệp thuộc “vùng xanh”.

Nhìn nhận những thách thức không nhỏ đặt ra cho việc bảo đảm chất lượng giáo dục ĐH, PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến trong giáo dục ĐH đã được nghiên cứu thí điểm từ năm 2005, đến nay đã lan rộng ra một số trường ĐH trên toàn quốc. Tuy nhiên, trong chương trình đào tạo, không phải tất cả học phần đều có thể triển khai theo phương thức trực tuyến, nhất là các học phần thực hành, thực tập, thí nghiệm. Vì vậy, các trường khi thực hiện đã lồng ghép, kết hợp cả đào tạo trực tuyến và trực tiếp, xây dựng lại kế hoạch giảng dạy, thay đổi chương trình và phương thức đào tạo, cố gắng tối đa để bảo đảm chất lượng đào tạo và đạt chuẩn đầu ra đã cam kết”.

Theo Báo cáo “Thanh niên và Covid-19: Tác động đến việc làm, giáo dục, quyền và sức khỏe tinh thần” của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), 65% thanh niên thừa nhận đã học kém hơn kể từ khi đại dịch bùng phát do chuyển đổi từ học tại lớp sang học trực tuyến và học từ xa trong thời gian giãn cách xã hội.