Thứ sáu,  20/09/2024

Lộc Bình: Hiệu quả bước đầu từ mô hình “Công dân học tập”

– Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thời gian qua, Hội Khuyến học (HKH) huyện Lộc Bình triển khai việc thực hiện thí điểm xây dựng mô hình “Công dân học tập” (CDHT) trên địa bàn huyện. Mô hình đã tạo sự đồng thuận trong Nhân dân và từng bước phát huy hiệu quả bước đầu.

Việc thực hiện thí điểm xây dựng mô hình CDHT trên địa bàn huyện nhằm tạo tiền đề, cơ sở để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng giai đoạn 2021 – 2030.

Bà Vy Thị Thơm, Chủ tịch HKH huyện cho biết: Chúng tôi xác định muốn có các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập thì trước hết phải có những CDHT. Nếu gia đình có thành viên nào không là CDHT thì gia đình đó không đạt được tiêu chí gia đình học tập. Trong cơ quan, doanh nghiệp, trường học mà người lao động làm việc không tham gia học tập thì không thể đạt đơn vị học tập. Vì vậy, CDHT là yếu tố hạt nhân để xây dựng xã hội học tập.

Cán bộ HKH huyện Lộc Bình tuyên truyền về việc thực hiện thí điểm mô hình CDHT đến người dân tại thị trấn Lộc Bình

Ngay khi HKH tỉnh có Kế hoạch số 77/KH – HKH ngày 29/10/2020 và thống nhất triển khai thí điểm mô hình CDHT đến các huyện, thành phố, HKH huyện nhanh chóng triển khai mô hình này. Đáng chú ý, nếu như HKH tỉnh yêu cầu mỗi huyện chọn 3 xã, mỗi xã chọn 3 thôn, mỗi thôn vận động 10 hộ có cá nhân đăng ký CDHT thì HKH huyện tham mưu cho UBND huyện kế hoạch triển khai thực hiện. Ngày 13/1/2021, UBND huyện Lộc Bình đã ban hành Kế hoạch số 11/KH – UBND về việc triển khai thực hiện thí điểm xây dựng mô hình CDHT trên địa bàn huyện và xin ý kiến chỉ đạo về việc phát động tại 100% các xã, thị trấn. Theo đó, mỗi xã, thị trấn lựa chọn 3 khu, thôn; mỗi khu, thôn lựa chọn 10 cá nhân đại diện cho 10 gia đình nâng tổng số đơn vị tham gia thí điểm  gồm 21 HKH xã, thị trấn với 63 chi hội khuyến học khu, thôn và 630 cá nhân đại diện gia đình.

Tiếp đó, hội chú trọng tuyên truyền sâu rộng tới cán bộ, hội viên trong các buổi sinh hoạt, thậm chí đến từng hộ dân khi cần. Từ đó, giúp mọi người hiểu rõ hơn ý nghĩa mô hình và mỗi cá nhân sẽ là một tuyên truyền viên hữu hiệu đến những người xung quanh. Anh Phùng Văn Kết, thôn Chộc Pháo, xã Đông Quan cho biết: Nhờ được tuyên truyền về mô hình, tôi hiểu rằng CDHT là những người biết tự học và áp dụng những kiến thức hay, bổ ích vào cuộc sống để giúp bản thân, gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Gia đình tôi chăn nuôi trâu bò từ lâu, tuy nhiên, từ tháng 11/2020, nhờ việc học tập theo mô hình CDHT, tôi tự học hỏi thêm qua sách báo, mạng Internet và áp dụng vào thực tế nên mô hình đem lại thu nhập cao hơn, đạt 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Đồng thời, hội tăng cường phối hợp với cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở vận động cán bộ, đảng viên đi đầu trong thực hiện mô hình. Chính vì vậy, HKH huyện hướng dẫn các hội cơ sở tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch, chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị – xã hội… gắn việc công nhận các mô hình học tập với việc thực hiện nhiệm vụ và công nhận các danh hiệu thi đua tại khu, thôn.

Cùng với đó, công tác tập huấn về mô hình CDHT luôn được các cấp hội chủ động phối hợp thực hiện. Theo đó, từ tháng 10/2020 đến tháng 7/2021, HKH huyện phối hợp với Phòng GD&ĐT tổ chức 3 cuộc tập huấn với 158 lượt người dự. HKH cấp cơ sở phối hợp tổ chức được 84 cuộc với 945 lượt người tham dự.

Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, công tác kiểm tra, đánh giá được hội tiến hành nghiêm túc, sát sao. Cụ thể, hội tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập huyện ban hành Công văn số 40/CV-BCĐ ngày 5/7/2021 về việc kiểm tra, tư vấn thí điểm xây dựng mô hình CDHT. Đến nay, việc kiểm tra đã được tiến hành tại 12 đơn vị, hầu hết các đơn vị đều thực hiện rất nghiêm túc.

Từ việc thực hiện tốt các giải pháp trên, đến nay, 566/630 cá nhân đạt danh hiệu CDHT, đạt 89,8%. Qua đó, các đối tượng tham gia thí điểm đều có nhận thức đầy đủ, đúng đắn về sự cần thiết mỗi công dân phải là một CDHT, đơn vị phải là đơn vị học tập trong thời kỳ cách mạng 4.0 hiện nay… Được biết, từ những kết quả bước đầu đã đạt được, thời gian tới, các cấp HKH toàn huyện sẽ triển khai đại trà mô hình CDHT đến 100% các khu, thôn và phấn đấu đạt trên 75% số cá nhân đạt danh hiệu CDHT.

Bà Lê Kim Hòa, Chủ tịch HKH tỉnh đánh giá: HKH huyện Lộc Bình là một trong những đơn vị tiêu biểu về việc thực hiện thí điểm mô hình CDHT. Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả HKH Lộc Bình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện thí điểm thành công mô hình CDHT của huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Người được đánh giá là CDHT phải đạt 80/100 điểm, ứng với 10 tiêu chí dựa trên 3 năng lực cốt lõi gồm: năng lực tự học và học tập suốt đời: công dân phải dành thời gian đọc sách báo, cập nhật thông tin trên báo, đài và biết xây dựng kế hoạch học tâp tại cộng đồng, trung tâm dạy nghề hoặc trung tâm ngoại ngữ – tin học…; năng lực sử dụng những công cụ tương tác: công dân biết sử dụng thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại…; năng lực xây dựng và thực hiện các mối quan hệ xã hội: hòa đồng với mọi người và biết hợp tác, chia sẻ trong sản xuất, kinh doanh.

LƯƠNG THẢO