Đây là trăn trở của nhiều nhà quản lý, chuyên gia về giáo dục tại Hội thảo giáo dục 2021 “Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội vừa tổ chức.

Văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia, dân tộc

Các chuyên gia giáo dục đều cho rằng, văn hóa học đường là vấn đề lớn, rất hệ trọng đối với giáo dục, là một phần của văn hóa quốc gia, dân tộc. Môi trường học đường nếu thiếu những giá trị văn hóa sẽ kéo theo hàng loạt hệ lụy, như tình trạng học trò vô lễ, không tôn trọng giáo viên; gian dối trong thi cử, học hành… Nặng hơn nữa là tình trạng bạo lực học đường.

Tuân thủ luật pháp là gốc để xây văn hóa học đường
Cô giáo Ngô Hương, Trường THCS Lê Lợi (Hưng Yên) hướng dẫn học sinh tình huống và cách giải quyết các tình huống có thể xảy ra trong nhà trường (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).

 

PGS, TS Nguyễn Kim Hồng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, bày tỏ lo ngại: “Những vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học, trong đó có các vụ án hình sự ngày càng gia tăng… Nhiều người còn cho rằng, điều tốt, hành vi đẹp hiện nay trong nhà trường chỉ còn lại trong bài giảng”.

Phân tích thêm về thực trạng này, TS Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: “Mặc dù trong những năm qua, nạn bạo lực học đường từng bước được kiểm soát với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, nhưng bức tranh giáo dục vẫn có những mảng tối khi nạn bạo lực giữa học trò với học trò, giữa thầy, cô giáo với nhau, giữa thầy cô với học trò, giữa phụ huynh học sinh với nhà trường, giữa những nhóm xã hội với học sinh vẫn diễn ra. Đáng quan ngại là tính chất, mức độ của những vụ bạo lực ngày càng nghiêm trọng, để lại những hệ lụy xấu, thậm chí một số vụ ẩu đả khiến học sinh tử mạng ngay trước cổng trường, để lại nỗi đau, sự mất mát lớn về thể chất, tinh thần cho gia đình, nhà trường và xã hội”.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, thực trạng này không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học, mà còn gây tổn hại đến môi trường học đường, giảm sút niềm tin của xã hội đối với ngành giáo dục.

Xây dựng văn hóa học đường phải bắt đầu từ đâu?

Với kinh nghiệm hơn 30 năm đào tạo và bồi dưỡng cán bộ giáo dục, GS, TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Chúng ta có nhiều chủ trương, chính sách tốt nhưng tại sao từ chính sách đến hành động vẫn vướng mắc? Chúng tôi thấy vai trò của cấp quản lý cơ sở rất quan trọng trong việc đưa chủ trương, chính sách đó thành hiện thực. Những người quản lý cấp cơ sở nhìn nhận vấn đề văn hóa như thế nào, quản lý văn hóa ra sao… Bản thân họ phải đọc được các giá trị văn hóa, phải có tầm văn hóa để đứng đầu một thiết chế giáo dục, một thiết chế không phải chỉ đào tạo một thế hệ, con người cụ thể mà đào tạo ra nhiều thế hệ”.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Xuân Đức, Trường Đại học Vinh (Nghệ An) nêu ý kiến: “Để giảm thiểu bạo lực, tạo văn hóa học đường thì vai trò của giáo viên là vô cùng quan trọng. Giáo viên là người giảng dạy cả kiến thức và đạo đức cho học sinh. Nếu giáo viên gây ra bạo lực học đường thì tác hại vô cùng lớn”.

Không quá khó hiểu khi cách tiếp cận giải pháp về văn hóa học đường không thống nhất bởi quan điểm giáo dục, văn hóa rất đa dạng. Nhưng liệu vì thế mà việc xây dựng văn hóa học đường quá khó để thực hiện? Theo GS, TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam: “Nói đến văn hóa học đường, ai cũng biết phải làm gì, phải lễ phép, phải trung thực… Thậm chí văn hóa học đường còn không khó để thực hiện. Từ hiểu biết đến hành động đều không khó, thì vấn đề khó nằm ở đâu? Tôi cho rằng nó nằm ở trí tuệ cảm xúc. Chúng ta phải làm sao để xây dựng môi trường văn hóa học đường mà mỗi người nhìn thấy nhau đều chia sẻ, tin tưởng. Chỉ có từ bản thân chúng ta mong muốn điều đó thì chúng ta mới làm được”.

Khẳng định văn hóa học đường là vấn đề rất lớn, rất hệ trọng và có rất nhiều việc phải làm phía trước, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để triển khai được văn hóa học đường cần khiến cho cán bộ quản lý, giáo viên, người học có một tinh thần quan trọng nhất là tinh thần thực thi pháp luật và sự tuân thủ các nguyên tắc. Khi xây dựng pháp luật và thiết kế các nguyên tắc đã bao hàm những yếu tố về đạo đức, phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa truyền thống…

Bộ trưởng nêu rõ: “Điều đầu tiên là cả thầy, trò và trường học phải làm thật tốt việc tuân thủ pháp luật, nguyên tắc, hoàn thiện và làm thật tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các chuẩn về đạo đức của nhà giáo, chuẩn trường học, chuẩn ứng xử… Thì như vậy chúng ta có cái rõ ràng để thực thi, có tiêu chí, tiêu chuẩn để hành động, có chỗ để thưởng-phạt, có chỗ để khen-chê. Làm nghiêm các phương diện đó thì sẽ làm ngay ngắn được trường học. Trường học mà ngay ngắn, thầy ra thầy, trò ra trò thì sau đó ta mới nói đến các tầng thứ của các giá trị khác trong văn hóa học đường. Còn các giá trị khác làm cho các quan hệ, các thành tố tốt đẹp hơn thì cần được triển khai nhưng phải xây dựng trên nền của sự tuân thủ các nguyên tắc”.