Thứ sáu,  20/09/2024

Góc nhìn giáo dục: Bù đắp cho người học

Ai cũng có đôi lần thấy “đáng tiếc” vì chưa làm được điều này hay hoàn thành việc kia, nhưng để ảnh hưởng tới hàng vạn người như ngành giáo dục năm qua quả là một điều đáng suy nghĩ.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ một trong những điều còn “đáng tiếc” của ngành là hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn do dịch Covid-19.

Theo học chế tín chỉ, sinh viên chỉ cần tích lũy đủ tín chỉ sẽ được xét tốt nghiệp. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 20 cơ sở đào tạo vẫn còn khóa sinh viên chưa hoàn thành hết bài đánh giá kết thúc năm học nên không được xét tốt nghiệp. Số lượng lớn sinh viên không thể ra trường đúng hạn đồng nghĩa với chuỗi cung ứng nguồn nhân lực có nguy cơ đứt gãy. Đặc biệt, giai đoạn tái sản xuất, phục hồi nền kinh tế như hiện nay đang rất cần những nhân lực chất lượng, có tay nghề cao.

Góc nhìn giáo dục: Bù đắp cho người học
Học sinh làm bài kiểm tra. Ảnh:Dân trí. 

Hai năm qua, công nghệ đã được ứng dụng sâu vào hoạt động của ngành giáo dục. Từ dạy và học, quản lý đến khai giảng, thi… đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến nên việc sinh viên không ra trường đúng hạn do lỗi của dịch bệnh xem ra chưa thỏa đáng. Các trường đại học đã áp dụng đóng học phí, nhập học trực tuyến thì có lẽ không quá khó khăn khi ra trường trực tuyến. Nhiều lý do được đưa ra như những học phần dạy thực hành không thể dạy online, trong khi nâng cao kỹ năng thông qua thực hành luôn là yêu cầu cần thiết. Vậy nhưng, có trường đã cho sinh viên học theo hình thức “3 tại chỗ”. Học viên được thực hành tập trung, ăn ở trong khuôn viên trường hoặc doanh nghiệp và hạn chế tiếp xúc với bên ngoài; thực tập trên mô hình mô phỏng… Kết quả của những nỗ lực ấy là sinh viên của họ được ra trường đúng hạn.

Có thể thấy, chỉ cần chênh nhau vài tháng, cơ hội việc làm của những sinh viên ra trường đúng hạn và không đúng hạn rất khác nhau. Chưa kể, có những cơ sở giáo dục liên kết với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ, càng kéo dài thời gian thiệt hại kinh tế càng lớn. Về phía sinh viên, vay vốn học tập từ ngân hàng chính sách xã hội, tốt nghiệp muộn đồng nghĩa với chịu mức lãi suất cao hơn.

Sau hơn hai năm bùng phát, dịch Covid-19 không còn là kẻ thù vô hình khiến con người sợ hãi như những ngày đầu xuất hiện. Chúng ta đã hiểu về dịch bệnh, đã có vaccine, thuốc chữa, các điều kiện y tế đáp ứng… Chưa kể thực tế mở cửa trường học tại các địa phương cũng như nghiên cứu thế giới cho thấy, nguy cơ lây lan trong trường học là thấp. Người trẻ bị lây nhiễm thường nhẹ, ít biến chứng và nguy cơ tử vong thấp. Không có phương án nào là tuyệt đối toàn vẹn, chúng ta cần chọn phương án tối ưu. Với tất cả cơ sở thực tiễn và khoa học như vậy, không nên chần chừ trong việc mở cửa trường học, nhất là các trường đại học. Cùng với khôi phục lại hoạt động học tập trực tiếp, tăng cường bù đắp cho người học, các trường đại học, cao đẳng cần xem xét lại quy trình, cách thức điều hành, tránh tình trạng lãng phí nguồn nhân lực, gây thiệt thòi cho người học.

Theo Quandoinhandan