Thứ sáu,  20/09/2024
Chương trình sức khỏe học đường

Chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh

Khám sức khỏe định kỳ cho học sinh tại Trường tiểu học Bích Đào, thành phố Ninh Bình (Ninh Bình). (Ảnh ĐỨC HÙNG)

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025. Việc triển khai thực hiện tốt Chương trình sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành trong việc xây dựng và thực hiện, tạo mối liên hệ trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh.

Kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy: Tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì ở Việt Nam tăng gấp hơn 2,2 lần trong 10 năm (từ 8,5% năm 2010, lên 19% năm 2020). Gánh nặng kép về dinh dưỡng ở tuổi học đường và tiền học đường gồm thiếu và thừa dinh dưỡng là cửa ngõ của nhiều bệnh mạn tính không lây nhiễm, ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Đáng lo ngại, việc gia tăng học tập, ô nhiễm môi trường, những thay đổi về điều kiện kinh tế, xã hội là nguy cơ phát sinh nhiều bệnh học đường. Hiện nay, hơn 40% học sinh mắc tật khúc xạ; gần 90% học sinh mắc bệnh răng miệng; từ 7% đến 15% học sinh mắc bệnh cong vẹo cột sống…

Những căn bệnh trên ảnh hưởng đến khả năng học tập, hoạt động sinh hoạt vui chơi của các em học sinh. Trong khi đó, cả nước vẫn còn gần 40% số trường có bếp ăn tập thể, căng-tin chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm; đội ngũ cán bộ cấp dưỡng trong trường học chưa được đào tạo bài bản, thực đơn bữa ăn chưa khoa học; công tác tổ chức bữa ăn bán trú còn nhiều khó khăn, nhất là các trường, điểm trường vùng sâu, vùng xa, miền núi do điều kiện còn hạn chế.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, cả nước có hơn 40.493 cơ sở giáo dục phổ thông và mầm non với khoảng 23 triệu trẻ em, học sinh, chiếm khoảng 25% tổng dân số. Bên cạnh sự quan tâm về giáo dục, học sinh vẫn cần được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng, chống bệnh tật thường gặp và các bệnh do chính yếu tố học đường gây ra. Do vậy, thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã triển khai một số chương trình, dự án nhằm chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các em như: phòng, chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng; phòng, chống suy dinh dưỡng, vệ sinh thực phẩm…

Tuy nhiên, sức khỏe học đường vẫn đang là vấn đề nhức nhối, cần được quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa để bảo đảm thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ; trong đó bao gồm dinh dưỡng và bữa ăn học đường, nước sạch và vệ sinh trường học, bệnh học đường, giáo dục thể chất và thể thao trường học.

Ngày 2/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1660/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, nhằm bảo đảm chăm sóc toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh thông qua việc duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và trường chuyên biệt.

Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 xác định 5 nhóm mục tiêu và 7 nhóm giải pháp về chăm sóc,bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh; giáo dục thể chất và hoạt động thể thao học đường; tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giám sát, thống kê, báo cáo; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học. Mỗi nội dung được giao chỉ tiêu đánh giá cụ thể như: Đến năm 2025, 100% trường học có tổ chức bữa ăn học đường và căng-tin trường học bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; 100% trường học có đủ giáo viên thể chất và được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn…

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, để Chương trình triển khai hiệu quả, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp liên ngành y tế – giáo dục triển khai thực hiện. Trong đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng và y tế cơ sở, đặc biệt là trạm y tế cấp xã để triển khai hiệu quả các nội dung, hoạt động về y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh, sinh viên.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị đẩy mạnh và hoàn thành việc tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sẵn sàng tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế trường học đáp ứng yêu cầu đánh giá nguy cơ, theo dõi sức khỏe, sơ cứu ban đầu và phối hợp chăm sóc, quản lý sức khỏe học sinh, sinh viên; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, phòng, chống bệnh tật học đường, sức khỏe tâm thần, dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, phòng, chống HIV/AIDS, dân số và sức khỏe sinh sản phù hợp với từng đối tượng học sinh…

Các địa phương ưu tiên và đẩy mạnh đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, bố trí trang thiết bị để bảo đảm điều kiện dạy và học; nâng cao chất lượng công tác sức khỏe học đường, nhất là y tế và bữa ăn học đường đối với các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các địa phương cũng cần tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên y tế trường học; đội ngũ nhân viên xây dựng thực đơn, chế biến suất ăn sẵn cho trường học bảo đảm chất lượng bữa ăn học đường; tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chế độ, chính sách cho đội ngũ nhân viên trong trường học trực tiếp hoặc gián tiếp triển khai công tác sức khỏe học đường…

Theo Nhandan