Thứ sáu,  20/09/2024

Tài liệu giáo dục địa phương: Cẩm nang đưa người học đến gần với thực tiễn

– Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018, trong 2 năm học vừa qua, ngành giáo dục tỉnh đã triển khai đưa bộ tài liệu giáo dục địa phương (GDĐP) vào giảng dạy ở khối lớp 1, 2 và lớp 6. Năm học 2022 – 2023 tiếp tục triển khai ở khối lớp 3, lớp 7, lớp 10… qua đó góp phần giúp học sinh có thêm hiểu biết toàn diện về văn hóa – xã hội ở địa phương, nơi mình sinh sống.

Tài liệu GDĐP là một phần kiến thức quan trọng trong Chương trình GDPT mới, bắt đầu triển khai từ năm học 2020 – 2021, gồm có 3 nhóm vấn đề chính: nhóm các vấn đề về văn hóa, lịch sử truyền thống; nhóm các vấn đề về địa lý, kinh tế, hướng nghiệp và nhóm các vấn đề về chính trị – xã hội, môi trường… của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước. Đối với tỉnh Lạng Sơn, năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có gần 80.000 học sinh từ cấp tiểu học đến THPT (gồm các lớp 1, 2, 3; lớp 6, 7 và lớp 10) được học tài liệu GDĐP.

Họp Hội đồng thẩm định tài liệu giáo dục địa phương tại Sở GD&ĐT tỉnh

Ông Hoàng Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Bộ tài liệu GDĐP do cán bộ, giáo viên ngành giáo dục tỉnh xây dựng với quy trình biên soạn, thẩm định theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đảm bảo chất lượng cả về nội dung và hình thức, cũng như phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Điểm khác biệt giữa tài liệu GDĐP mới so với những tài liệu trước đây là tập trung biên soạn theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Để đảm bảo các kỹ năng giảng dạy và truyền đạt tài liệu GDĐP, Sở GD&ĐT đã yêu cầu các phòng chuyên môn tổ chức biên soạn tài liệu hướng dẫn giáo viên sử dụng, khai thác nội dung các chuyên đề vào dạy học.

Theo tìm hiểu, ở bậc tiểu học, nội dung tài liệu GDĐP được tích hợp trong hoạt động trải nghiệm và các môn học khác. Trong đó, tùy vào điều kiện thực tế ở từng đơn vị trường học, giáo viên sẽ linh hoạt xây dựng kế hoạch bài dạy và kế hoạch dạy học môn học phù hợp với đối tượng và điều kiện thực tiễn. Qua giảng dạy, giáo viên các trường tiểu học tổ chức dạy tích hợp nội dung các chủ đề trong tài liệu GDĐP vào các môn học: Tiếng Việt, Đạo đức, Tự nhiên và Xã hội, Hoạt động trải nghiệm… với các chủ đề như: ẩm thực truyền thống, trò chơi dân gian; lễ hội đặc trưng của địa phương, dân tộc; lịch sử địa phương; trải nghiệm di tích văn hóa lịch sử. Thông qua đó giúp học sinh hiểu rõ hơn về văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương.

Cô Nguyễn Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Đăng, huyện Cao Lộc cho biết: Việc dạy tài liệu GDĐP ở trường được triển khai đầu tiên ở khối lớp 1, năm học 2020 – 2021 và năm học 2021 – 2022 ở khối lớp 2. Trong 2 năm học này, để việc dạy tài liệu GDĐP được hiệu quả, trường đã sắp xếp, tổ chức chủ đề dạy học trong hoặc ngoài lớp học, đưa vào chương trình hoạt động trải nghiệm, dạy học tích hợp liên môn… ngoài các chủ đề dạy theo hướng dẫn của ngành, nhà trường còn yêu cầu giáo viên trong quá trình dạy phải tìm thêm tài liệu, hình ảnh, video liên quan đến các chủ đề để học sinh dễ hiểu.

Ở bậc THCS, tài liệu GDĐP gồm có 33 chủ đề thuộc các lĩnh vực: văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị, xã hội, môi trường. Trong đó tài liệu GDĐP lớp 6 được thiết kế với 9 cụm chủ đề; lớp 7 là 8 cụm chủ đề chủ yếu về: truyền thuyết xứ Lạng, trang phục, âm nhạc truyền thống, địa lý, lịch sử địa phương, các nghề phổ biến ở Lạng Sơn… với tổng thời lượng 35 tiết/năm học. Đối với lớp 10 thì tài liệu GDĐP tập trung vào 9 chủ đề thuộc 3 lĩnh vực: văn hóa, lịch sử (từ chủ đề 1 đến 5); địa lý, kinh tế, hướng nghiệp (chủ đề 6 và 7); chính trị – xã hội, môi trường (chủ đề 8 và 9). Việc bố trí thời gian dạy do các trường chủ động, các chủ đề có thể linh hoạt đảo, đổi vị trí.

Em Vương Hồng Ngọc, học sinh lớp 7A1, Trường THCS thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng chia sẻ: Việc được học bộ tài liệu GDĐP từ lớp 6 đã giúp em có những hiểu biết hơn về lịch sử, điều kiện tự nhiên xã hội của địa phương nơi mình sinh sống và các phong tục tập quán của người dân sinh sống trên địa bàn. Từ những kiến thức học được, em thấy yêu mến hơn quê hương của mình.

Với việc dạy học hiệu quả, tài liệu GDĐP theo Chương trình GDPT mới 2018 đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Theo đó, năm học 2021 – 2022 vừa qua, ở khối lớp 1, lớp 2 (hơn 30.000 học sinh) về xếp loại các năng lực cốt lõi: tốt đạt 61,1% – 68,2%; xếp loại đạt 31,2% – 34,8%. Đối với nhóm phẩm chất chủ yếu: tốt đạt 66,4% – 84,6%; đạt 15,2% – 33%. Ở khối lớp 6 (hơn 13.000 học sinh), kết quả học tập: mức tốt chiếm 16,1%; mức khá đạt 41,9%.

HOÀNG TÙNG