Thứ sáu,  20/09/2024

Góc nhìn giáo dục: Những điểm số ảo

Chị Huyền ngán ngẩm đưa tôi xem tin nhắn của cô giáo chủ nhiệm lớp con trai chị trên nhóm Zalo của lớp. Cô giáo “nhờ” phụ huynh đôn đốc các con học thuộc bài văn mẫu để chuẩn bị cho kỳ thi cuối năm học đã cận kề.

Chị than: “Con lớp 3, học theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo định hướng hình thành và phát triển phẩm chất, kỹ năng cho học sinh, vậy mà vẫn thi cử dối trá. Học sinh phải học thuộc lòng bài văn đã được cô chữa tỉ mỉ. Có cô thậm chí còn yêu cầu phụ huynh quay và gửi cô clip con đọc thuộc văn cho cô xem”.

Tôi không biết phải nói gì với chị, vì đó là thực tế quá đáng buồn khi các nhà trường lại đang dạy bọn trẻ theo cách rất… phản giáo dục, đi ngược lại chính mục tiêu của chương trình mới, cách thi cử vẫn theo lối mòn học thuộc, những kỳ thi gian dối, những điểm số ảo chắc chắn sẽ cao chót vót, nhưng không thể biết giá trị thật đến đâu. Ở cấp tiểu học, trung học cơ sở, nhan nhản những lớp học chỉ toàn học sinh giỏi. Cuối năm học nào cũng có tình trạng lạm phát điểm số, lạm phát giấy khen. Ở bậc trung học phổ thông, sự chênh lệch giữa điểm học bạ của trường và điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông còn khiến nhiều người choáng váng khi có môn, mức chênh lên đến 4 điểm. Ở hầu hết địa phương, điểm thi đều thấp hơn điểm học bạ, dù đề thi được đánh giá có đến 75%, thậm chí có môn tới 80% ở mức độ dễ, nhận biết và thông hiểu.

Ảnh minh họa: Internet

Những điểm số ảo khiến xã hội thiếu tin tưởng vào giáo dục. Ngay cả ngành giáo dục cũng không thể tin vào chính đội ngũ của mình, không tin những điểm số mà mình đã ghi vào học bạ cho học sinh. Thay vì xét học bạ, các trường trung học cơ sở tốp đầu thi tuyển vào lớp 6. Hầu hết tỉnh, thành phố trên cả nước đều tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, một kỳ thi vô cùng áp lực với học sinh, phụ huynh khi tỷ lệ cạnh tranh cao hơn thi đại học. Các trường đại học, đặc biệt là các trường tốp trên, phải dùng nhiều cách thức khác nhau, từ xét những chứng chỉ quốc tế đến tổ chức các kỳ thi riêng để tuyển sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông rềnh rang tốn kém trên quy mô toàn quốc để biết được chất lượng dạy và học, trình độ thật của học sinh trên cả nước, nhằm có chiến lược phát triển giáo dục phù hợp cho từng vùng.

Những kỳ thi dồn áp lực lên học sinh, hình thành tâm thế học để thi, thúc đẩy sự phát triển của dạy thêm, học thêm ngay từ tiểu học. Những kỳ thi làm hình thành tư duy môn chính, môn phụ, khiến học sinh học lệch, phá vỡ mục tiêu giáo dục toàn diện. Những kỳ thi tiêu tốn thời gian, nguồn lực và tài chính rất lớn của xã hội và nhà nước.

Ngay trong bài phát biểu đầu tiên với ngành giáo dục trên cương vị Thủ tướng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt yêu cầu phải “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng từng nhiều lần nhấn mạnh với toàn ngành việc thực hiện mục tiêu này.

Nhưng có lẽ, hơn cả những văn bản chỉ đạo, những khẩu hiệu, ngành giáo dục cần một giải pháp thực sự quyết liệt và căn cơ, gốc rễ hơn, khi bệnh thành tích, điểm số ảo như chiếc vòi bạch tuộc đã len lỏi, bám rễ vào khắp các nhà trường.

Nguồn:https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/goc-nhin-giao-duc-nhung-diem-so-ao-726769

Theo qdnd.vn