Thứ tư,  03/07/2024

Phân luồng học sinh để tạo nguồn nhân lực kỹ thuật

Thực hành sửa chữa điện công nghiệp dân dụng ở trường nghề Việt Đức Lạng Sơn - Ảnh: Lê MinhSO-Mặc dù bậc THPT ở tỉnh ta phát triển khá nhanh, song với gần 15.000 học sinh tốt nghiệp THCS và tỷ lệ thu hút vào bậc THPT là trên 70%, thì vẫn còn khoảng gần 5000 thanh niên tốt nghiệp THCS ở nhà lao động sản xuất. Nếu cộng cả số thanh niên không đỗ tốt nghiệp THPT và thi trượt vào các trường ĐH-CĐ, thì mỗi năm lực lượng lao động chưa qua đào tạo được bổ sung trên 10.000 người. Hầu như tâm lý học để thi vào các trường ĐH-CĐ, học để làm cán bộ nhà nước đã ăn sâu trong suy nghĩ của các tầng lớp nhân dân; thậm chí, tâm lý này chi phối cả công tác dạy và học trong nhà trường: dạy và học theo lối “khoa bảng”. Tuy công tác hướng nghiệp dạy nghề, tư vấn phân luồng học sinh sau THCS và bậc THPT đã được ngành đặt ra từ lâu, song việc giúp học sinh có những hiều biết nghề nghiệp để định hướng phát triển, lựa chọn ngành nghề...

Thực hành sửa chữa điện công nghiệp dân dụng ở trường nghề Việt Đức Lạng Sơn – Ảnh: Lê Minh

Hầu như tâm lý học để thi vào các trường ĐH-CĐ, học để làm cán bộ nhà nước đã ăn sâu trong suy nghĩ của các tầng lớp nhân dân; thậm chí, tâm lý này chi phối cả công tác dạy và học trong nhà trường: dạy và học theo lối “khoa bảng”. Tuy công tác hướng nghiệp dạy nghề, tư vấn phân luồng học sinh sau THCS và bậc THPT đã được ngành đặt ra từ lâu, song việc giúp học sinh có những hiều biết nghề nghiệp để định hướng phát triển, lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực bản thân và nhu cầu xã hội còn nhiều hạn chế. Công tác hướng nghiệp, dạy nghề còn mang tính hình thức; tâm lý học sinh học hướng nghiệp chỉ để có điểm cộng thêm vào kết quả thi và xét tốt nghiệp nên chất lượng hướng nghiệp không cao. Có một thực tế xã hội, học sinh không vào được THPT hệ chính quy, thì vào trường Dân lập hoặc các trung tâm GDTX để “cố lấy tấm bằng tốt nghiệp”, số còn lại ở nhà lao động sản xuất, mà không khát khao đi học lấy một nghề. Còn học sinh không đỗ ĐH-CĐ mới chuyển sang THCN hoặc học nghề; số còn lại ở nhà ôn thi chờ kỳ thi năm sau hoặc tìm kiếm việc làm khác. Như vậy, mỗi năm chúng ta lãng phí một lực lượng lao động trẻ rất lớn vì nếu những học sinh này được học nghề sớm, hiệu quả về kinh tế xã hội sẽ lớn hơn rất nhiều. Nguyên nhân sự yếu kém trong công tác hướng nghiệp phổ thông thì có nhiều, song chủ yếu là do tâm lý học sinh; nhận thức của nhà trường và sự nghèo nàn về thông tin thị trường lao động.

Theo Quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề tỉnh Lạng Sơn đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, ngay trong năm 2009 này, ngoài trường Trung cấp nghề Việt- Đức, các trung tâm dạy nghề – giới thiệu việc làm của tỉnh, một số cơ sở dạy nghề cấp huyện như Bắc Sơn, Lộc Bình, Hữu Lũng, Chi Lăng, Văn Quan… đã được thành lập và đi vào hoạt động. Song, hiện nay các cơ sở này còn rất nghèo nàn về trang thiết bị và chương trình đào tạo; đối tượng học cũng chỉ biết… học, mà chưa định hướng rõ ràng học về mình sẽ làm gì và làm ở đâu. Việc phân luồng học sinh sau THCS và THPT sẽ tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng cho thị trường lao động. Quan điểm nhà trường, gia đình, xã hội và doanh nghiệp cùng tham gia hướng nghiệp là đúng đắn, song việc thực hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, DN trên địa bàn Lạng Sơn vừa nhỏ về quy mô và năng lực, các DN trên địa bàn cấp huyện hầu hết chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, nên việc tham gia hướng nghiệp và thu nhận lao động sau đào tạo là không thể. Vậy nên, các cơ sở đào tạo nghề muốn có đông học sinh cần phải vươn ra để liên kết với các DN lớn, nhận đào tạo và cung ứng lao động có chất lượng cho họ.

Gần đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định rằng, hướng nghiệp giáo dục nghề nghiệp có vai trò quan trọng, xuất phát từ nhu cầu xã hội và năng lực của người học cho nên cần tăng cường tuyên truyền, đem những thông tin cần thiết rõ hơn cho mọi người về hướng nghiệp GD nghề nghiệp. Trong đó không chỉ những người làm công tác GD mà toàn xã hội tham gia công tác hướng nghiệp. Theo đó, trước hết công tác đổi mới chương trình hướng nghiệp và GD nghề phổ thông cần theo hướng nâng cao năng lực tự đánh giá và kỹ năng tìm kiếm thông tin về ngành nghề và thị trường lao động cho học sinh phổ thông. Hiện nay chính học sinh và giáo viên của Lạng Sơn đang thiếu thông tin về nghề nghiệp và thị trường lao động, nên rất cần ngành Lao động – TBXH vào cuộc. Nên chăng, cần mở nhiều hơn cơ sở dạy nghề chất lượng cao và có chế độ ưu đãi khuyến khích công tác dạy, học và giới thiệu việc làm, hơn là việc mở thêm nhiều trường THPT. Vì hiện nay, biên chế hành chính và sự nghiệp ngày càng giảm; mà các cơ sở sản xuất kinh doanh đang đứng trước tình trạng “thừa thày, thiếu thợ”.

MH