Thứ hai,  01/07/2024

Phát triển giao thông nông thôn: Khi người dân chung sức

(LSO) – Năm 2018 đánh dấu một năm phong trào phát triển giao thông nông thôn trên mảnh đất Xứ Lạng đạt được những kết quả to lớn. Khát vọng của người dân cùng với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước đã từng bước khơi thông “huyết mạch” ở nông thôn.

Theo số liệu của Sở Giao thông Vận tải, năm 2018, người dân đóng góp ngày công, tiền mặt để cứng hóa các tuyến đường trục xã, trục thôn, ngõ xóm lớn nhất từ trước tới nay với tổng số tiền đạt 51 tỷ đồng (năm 2017 là 35,5 tỷ đồng). Đồng thời trong năm, người dân hiến 8,55 ha đất các loại để mở rộng và cứng hóa các tuyến đường.

Vân Mộng là xã tiêu biểu của huyện Lộc Bình trong xã hội hóa phát triển giao thông nông thôn. Theo số liệu thống kê, nhân dân toàn huyện hiến hơn 10 nghìn mét vuông đất để làm đường giao thông, thì Vân Mộng đã hiến đến hơn 4 nghìn mét vuông đất để cứng hóa tuyến đường trục trung tâm xã.

Cứng hóa đường giao thông nông thôn tại xã Cường Lợi, huyện Đình Lập

Về phát triển đường trục thôn, từ nguồn xi măng huyện phân bổ cho xã và thôn Nà Pam, mỗi hộ dân tự nguyện góp 2 triệu đồng để tạo thêm nguồn lực cứng hóa đường. Nhờ đó, thôn đã cứng hóa được gần 1 km đường có bề rộng hơn 2 m. Từ năm 2012 đến nay, toàn xã Vân Mộng cứng hóa được gần 10 km đường trục xã, trục thôn, tất cả các tuyến đường đều rộng trên 2 m với tổng kinh phí nhân dân đóng góp hơn 2 tỷ đồng.

Còn huyện Cao Lộc có thôn Bản Lành, xã Hòa Cư là điểm sáng về làm đường giao thông. Thôn Bản Lành có 85 hộ dân sinh sống rải rác ven các quả đồi cách trung tâm xã hơn 4 km và cách đường tỉnh 235 Cao Lộc – Xuất Lễ hơn 2 km. Trước năm 2018, đường liên thôn vào trung tâm thôn đều là đường đất, người dân đi lại khó khăn, thôn nhiều lần kiến nghị với xã, huyện xin xi măng làm đường nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp huyện chưa cấp được. Sau nhiều năm kiến nghị, năm 2018, huyện phân bổ cho thôn 200 tấn xi măng, các hộ dân tự nguyện góp 2,5 triệu đồng/hộ để mua vật liệu làm đường. Kết thúc năm 2018, thôn Bản Lành cứng hóa được 1,3 km đường trục thôn có bề rộng đạt 2,5 m, dày 18 cm.

Ông Hoàng Văn Thạch, Trưởng thôn Bản Lành cho biết: thực hiện chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng chung sức làm đường được người dân đồng thuận cao. Khi họp thôn các hộ đều  quyết tâm đã làm đường phải làm đường đạt chuẩn nông thôn mới, có như vậy mới thuận lợi cho đi lại và làm ăn.

Qua thực tiễn cho thấy, người dân khu vực nông thôn đã hiểu rất rõ muốn giảm nghèo và đưa nông thôn miền núi phát triển gắn với xây dựng nông thôn mới nhất quyết giao thông phải đi trước một bước. Không những thế cộng đồng thôn bản đều muốn đã làm đường là phải đảm bảo to, rộng và bền vững.

Các huyện Hữu Lũng, Bắc Sơn, Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan là những huyện đi đầu trong nhiều năm liền về phong trào cứng hóa đường giao thông nông thôn cả về số lượng và chất lượng. Điển hình là huyện Hữu Lũng, thực hiện đề án phát triển giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, kết thúc năm 2018, toàn huyện cứng hóa được 51,6 km đường, cao nhất trong các huyện trên địa bàn tỉnh. Hữu Lũng cũng duy trì vị trí số một về kết quả cứng hóa đường giao thông nông thôn liên tục từ năm 2015 đến nay. Riêng thực hiện cứng hóa các tuyến đường ngõ xóm, năm 2018, toàn huyện bê tông được 28,8 km đường, bề rộng mặt đường đều từ 2,5 m đến 3 m, chiều dày đạt 18 cm. Nhân dân đóng góp bằng tiền mặt để mua vật liệu bê tông cứng hóa các tuyến đường đạt trên 10 tỷ đồng.

Ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết: Thực tế nhu cầu cứng hóa mạng lưới đường giao thông nông thôn là rất lớn, do đó trong cân đối ngân sách, tỉnh luôn ưu tiên lĩnh vực này nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Bước sang năm 2019, sở đã xây dựng kế hoạch và tham mưu cho tỉnh tiếp tục đầu tư thích đáng cho giao thông nông thôn. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa và lồng ghép các nguồn vốn như: chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và các nguồn khác để cứng hóa các tuyến đường trục xã. Trong đó, ưu tiên hàng đầu việc đầu tư hạ tầng giao thông cho các xã điểm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong kế hoạch, các xã đặc biệt khó khăn.

TRANG NINH