Dịch Covid-19 bùng phát trở lại lần thứ 4, nhiều địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp để PCD khiến không ít doanh nghiệp thiếu lao động trầm trọng do nhiều công nhân thuộc diện phải cách ly. Mặt khác, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, một số khu công nghiệp, một số loại hình kinh doanh ở các địa phương phải tạm dừng hoạt động khiến hàng trăm nghìn lao động bị mất việc làm, nhiều người trong số đó đang có nhu cầu tìm việc làm mới. Theo báo cáo tình hình kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), lao động từ 15 tuổi trở lên làm việc trong quý II-2021 giảm 65.000 người so với quý trước; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng 0,2%; tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động tăng 0,4%… Quý II-2021 cũng có tới 26,7% doanh nghiệp không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu. Bài toán kết nối cung-cầu lao động trong thời điểm hiện nay đang đặt ra cấp bách.

Linh hoạt kết nối cung-cầu lao động trong bối cảnh dịch Covid-19
 Doanh nghiệp phỏng vấn trực tuyến người lao động tại sàn giao dịch việc làm vệ tinh của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Tháng 5-2021, chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ ở phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội, là lao động trong lĩnh vực khách sạn-nhà hàng phải nghỉ việc do công ty cắt giảm nhân sự. Dịch Covid-19 cũng đã hạn chế việc đi lại, tiếp xúc khiến chị Lệ càng khó khăn hơn trong quá trình tìm công việc mới. Được sự giới thiệu của một người bạn, chị Lệ đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội) để nộp hồ sơ phỏng vấn theo hình thức trực tuyến. Chị Lệ chia sẻ: “Tôi nộp hồ sơ vào 5 công ty, đã có 2 công ty đặt lịch phỏng vấn trực tuyến. Tôi thấy việc nộp hồ sơ và phỏng vấn trực tuyến rất tiện lợi, NLĐ không phải di chuyển nhiều, tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời bảo đảm an toàn PCD”.

Công ty Cổ phần sản xuất và xuất khẩu Quế hồi Việt Nam hiện đang có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc ở các vị trí như: Giám đốc Nhà máy Quế hồi ở tỉnh Yên Bái, kế toán, lái xe, nhân viên sản xuất. Chị Bùi Thị Thu, phụ trách bộ phận tuyển dụng của công ty cho biết: “Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã kết nối cho chúng tôi 12 hồ sơ cho vị trí giám đốc và hàng chục hồ sơ ở các bộ phận khác để phỏng vấn trực tuyến. Từ thực tế ở công ty tôi cho thấy, thời điểm này, tuyển dụng trực tuyến là phương thức tối ưu cho cả NLĐ và doanh nghiệp”.

Theo ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trước tình trạng số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng, Cục Việc làm đã chỉ đạo hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm cả nước thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động kết nối cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp để rút ngắn thời gian tìm việc làm của NLĐ…

Dù là phương án tuyển dụng hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, số lượng lao động tìm được việc làm thông qua hình thức trực tuyến thời gian qua cũng tăng đáng kể, tuy nhiên, việc kết nối cung-cầu lao động qua hình thức này vẫn chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân chính là do cả doanh nghiệp và NLĐ đã có một thời gian dài tuyển dụng theo hình thức trực tiếp nên khi thay đổi còn gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, không ít NLĐ còn chưa biết tự tạo cho mình một bộ hồ sơ điện tử đầy đủ và thể hiện được hết lợi thế của bản thân. Có doanh nghiệp chỉ muốn tuyển dụng theo hình thức trực tiếp vì khi phỏng vấn trực tiếp có thể trao đổi kỹ hơn về chuyên môn, quan sát được cả kỹ năng giao tiếp và ngoại hình… Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết: “Để nâng cao hiệu quả công tác kết nối cung-cầu lao động thì việc tổ chức phiên giao dịch việc làm, tư vấn-giới thiệu việc làm cần linh hoạt triển khai đa dạng theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hạn chế tiếp xúc, nâng cao hiệu quả tư vấn; đa dạng hóa các hình thức cung cấp thông tin, trong đó chú trọng các hoạt động qua email, các website, mạng xã hội như: Facebook, zalo, fanpage… nhằm hỗ trợ NLĐ tìm kiếm thông tin, từ đó liên hệ với các công ty để đăng ký tuyển dụng”.

Hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có 15 sàn giao dịch vệ tinh đặt tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố. 6 tháng đầu năm 2021, trong điều kiện bảo đảm yêu cầu PCD, trung tâm vẫn giới thiệu việc làm cho 23.655 lượt người, số lao động tìm được việc làm là 5.952 người. “Để hình thức tuyển dụng trực tuyến phát huy hiệu quả tối đa, tỷ lệ trúng tuyển cao, NLĐ cần trang bị thêm các kỹ năng, trong đó quan trọng nhất là kỹ năng sử dụng máy tính, giao tiếp, ứng xử khi phỏng vấn trên internet và chuẩn bị hồ sơ điện tử chu đáo. Về phía doanh nghiệp, cần đổi mới, thay đổi, từng bước loại bỏ tư duy bắt buộc phải phỏng vấn trực tiếp thì mới có thể thích ứng với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, yêu cầu tuyển dụng cũng cần linh hoạt hơn…”- ông Vũ Quang Thành chia sẻ thêm.