Thứ sáu,  20/09/2024

Những điều cần biết về dịch bệnh Covid-19

(LSO) – Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra vẫn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng lây lan nhanh, rộng trên toàn cầu thì việc nắm được cơ chế lây truyền, cách phòng tránh… chính là cách đơn giản nhất để mỗi người dân góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

   Covid-19 (2019-nCoV) là gì?

   Vi rút Corona là họ vi rút lớn được tìm thấy ở cả động vật và người. Gần đây, các nhà khoa học tìm ra 6 loại vi rút Corona có khả năng lây nhiễm ở người, trong đó có 4 loại gây cảm cúm thông thường, 2 loại trong đó cực kỳ nguy hiểm, tốc độ ảnh hưởng vượt xa các chủng Sars-CoV năm 2002 – 2003 và Mers-CoV năm 2012.

   Vi rút Corona mới là một chủng mới của vi rút Corona chưa từng xác định được ở người trước đây. Vi rút Corona mới này được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng giữa 12/2019. Đây là một loại vi rút gây ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người, hiện nay gọi là Covid-19 (2019-nCoV hoặc Sars-CoV-2) và cho thấy có sự lây lan từ người sang người.

Cán bộ y tế đang tuyên truyền cho người dân về cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19

   Thời gian ủ bệnh Covid-19 là bao lâu?

Thời gian ủ bệnh viêm đường hô hấp cấp từ 2 đến 14 ngày.  Thời gian ủ bệnh được hiểu là khoảng thời gian từ khi bị lây nhiễm virus cho tới khi khởi phát các triệu chứng bệnh như: sốt, ho, khó thở …

   Các triệu chứng khi nhiễm Covid-19?

Các triệu chứng của bệnh nhân mắc Covid-19 từ nhẹ đến nặng bao gồm: sốt, ho và khó thở, hắt hơi, sổ mũi, đau mỏi người, đau họng. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Trường hợp nặng, gây viêm phổi, suy hô hấp cấp tiến triển, thậm chí tử vong, nhất là các trường hợp có bệnh mãn tính, hệ thống miễn dịch suy giảm.

   2019-nCoV có tồn tại ở bề mặt đồ dùng không và tồn tại trong bao lâu?

2019-nCoV có tồn tại ở bề mặt đồ dùng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ 2019-nCoV có khả năng sống trên bề mặt trong bao lâu. Mặc dù thông tin ban đầu gợi ý rằng vi rút có thể sống vài giờ trên bề mặt.

   Covid-19 lây lan như thế nào?

Covid-19 là chủng mới vi rút nguy hiểm, ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật hoang dã nhưng có khả năng lây từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục.

– Covid-19 lây lan qua đường hô hấp do tiếp xúc gần. Khi bệnh nhân ho, nói chuyện, hắt hơi, xì mũi, vi rút theo các hạt nhỏ li ti bắn ra ngoài, người lành hít phải sẽ bị lây nhiễm.

– Covid-19 có thể lây qua tiếp xúc bề mặt các vật dụng (đồ dùng), nếu chạm vào bề mặt có vi rút người bệnh đã phát tán ra ngoài như mặt bàn, tay nắm cửa, bấm cầu thang máy, điện thoại tay vịn các phương tiện giao thông, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt sẽ bị lây nhiễm.

– Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh hoặc bắt tay với người mắc bệnh.

   Nguy cơ khi mắc 2019-nCoV ở những người khác nhau có khác nhau không?

Trẻ nhỏ, người già và những người đang bị bệnh mãn tính như tăng huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, bệnh gan, hen phế quản, tắc nghẽn phổi mãn (bệnh nền) sẽ có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng hơn người khác do sức đề kháng yếu.

   Covid-19 đã có thuốc phòng và điều trị đặc hiêu chưa?

Hiện nay, chưa có vắc xin phòng và cũng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với Covid-19.

   Vì sao Covid-19 lây lan nhanh như vậy?

Nếu thường xuyên theo dõi cập nhật mới nhất về tình hình dịch bệnh Covid-19, chúng ta sẽ thấy các trường hợp mắc bệnh và tử vong liên tục tăng trong ngày, tiếp theo đó, số quốc gia ghi nhận người nhiễm covid-19 ngày càng lan rộng khắp các châu lục.

Nguyên nhân khiến dịch bệnh Covid-19 lây lan nhanh, rộng:

– Những người không có triệu chứng vẫn có thể lan truyền virus Covid-19, theo các chuyên gia y tế: Mỗi người mắc bệnh Covid-19, có thể lây cho ít nhất 3 hoặc 4 người khác. Nó có thể lây nhiễm ngay khi các triệu chứng vẫn còn nhẹ, thậm chí những người không có triệu chứng (không có dấu hiệu bị bệnh). Có nghĩa là những người này có thể truyền vi rút trước khi phát bệnh mà không phát hiện được. Bởi vậy, số ca nhiễm Covid-19 cứ liên tục tăng, một “sự lây lan chưa từng thấy”.

– Du lịch quốc tế là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh lây lan nhanh, rộng: Mặc dù ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phát cảnh báo là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế, nhiều quốc gia đã có sự đình chỉ và hạn chế các chuyến bay đi và đến vùng dịch (Trung Quốc, Ý, Hàn Quốc, Iran, Tây Ban Nha…). Tuy nhiên, điều này vẫn không đủ để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới đã phải công bố sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

   Cách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như thế nào?

Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng chủ động thực hiện tốt các biện pháp sau:

1. Tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc nghi mắc bệnh, khi cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách ít nhất 2 m.

2. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy ít nhất 30 giây hoặc nước vệ sinh tay có chứa 60% độ cồn trở lên, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

3. Cần che mũi và miệng khi ho, xì mũi bằng khăn/giấy dùng 1 lần; không khạc nhổ bừa bãi; khi cần đến nơi đông người phải đeo khẩu trang và rửa tay ngay khi có thể; hạn chế đi du lịch.

 4. Giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống sôi và đủ chất để tăng cường sức khỏe.

5. Hằng ngày lau nền nhà, bề mặt dụng cụ, tay nắm cửa bằng chất tẩy rửa thông thường, luôn giữ phòng thông thoáng, hạn chế dùng điều hòa.

6. Đối với thang máy ở các tòa nhà, cần thường xuyên lau bề mặt, đặc biệt là các nút bấm bằng dịch sát khuẩn thông thường.

7. Nếu có sốt, ho, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

8. Người đã tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc nghi ngờ mắc bệnh, người nhập cảnh từ vùng dịch về phải khai báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe và cách ly kịp thời.

PHẠM TIẾN DŨNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)