Tại Nghệ An ghi nhận 2 ca là các trường hợp F1, đã được cách ly. Kết quả xét nghiệm ngày 22-6 dương tính với SARS-CoV-2.

Bản tin Covid-19 sáng 23-6: Việt Nam ghi nhận 55 ca mắc mới tại 3 tỉnh, thành phố
Lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho người dân. Ảnh: Bộ Y tế 

Tại TP Hồ Chí Minh ghi nhận 51 ca, trong đó có 40 ca là các trường hợp F1 đã được cách ly, một ca liên quan đến Nhóm truyền giáo Phục Hưng, 10 ca đang điều tra dịch tễ. Kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Như vậy tính đến 6 giờ ngày 23-6, Việt Nam có tổng cộng 12.065 ca ghi nhận trong nước và 1.717 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27-4 đến nay là 10.495 ca, trong đó có 2.772 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. Có 18 tỉnh: Yên Bái, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hải Phòng, Tây Ninh, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Thái Bình, Vĩnh Phúc đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng. Số lượng xét nghiệm từ ngày 29-4 đến nay đã thực hiện 2.598.405 xét nghiệm cho 5.928.149 lượt người.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 174.948 người. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 1.930 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác là 41.097 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 131.921 người.

Thêm 107.772 người được tiêm vaccine phòng Covid-19

Sáng 23-6, Bộ Y tế cho biết, trong ngày 22-6, có thêm 107.772 người được tiêm vaccine phòng Covid-19. Tính đến 16 giờ ngày 22-6, cả nước đã thực hiện tiêm 2.569.156 liều vaccine phòng Covid-19. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 là 133.843 người.

Bộ Y tế chỉ cấp phép khi vaccine có đầy đủ dữ liệu khoa học

Tối 22-6, ông Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine cho biết, việc cấp phép khẩn cấp một loại vaccine phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bộ Y tế cần có các dữ liệu khoa học về tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ của vaccine.

Theo ông Nguyễn Ngô Quang, trong bối cảnh hiện nay, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine phòng Covid-19 là điều cần thiết, tuy nhiên tất cả phải trên nguyên tắc đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học. Cụ thể, phải chứng minh và trả lời được 3 câu hỏi lớn là: Có an toàn không? Có sinh miễn dịch không? Và điều đặc biệt quan trọng đó là có hiệu lực bảo vệ không?

Trước đó, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen có văn bản gửi Thủ tướng về việc xin cấp phép khẩn cấp vaccine Covid-19 Nanocovax.

Trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân không chủ quan, lơ là, luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch; tuyệt đối tuân thủ “Khuyến cáo 5K + Vaccine”; liên hệ với đường dây nóng Bộ Y tế: 1900.9095 để được tư vấn khi cần thiết.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vaccine Covid-19 vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.