Vaccine Moderna, còn có tên là Skipevax, mỗi liều 0,5ml chứa 100mcg mRNA, được nhúng trong các lipid nanoparticle SM-102, dạng bào chế là hỗn dịch tiêm bắp, hộp chứa 10 lọ đa liều, mỗi lọ đa liều chứa 10 liều 0,5mcg, cơ sở sản xuất là Rovi Pharma (Tây Ban Nha) và Recipharm (Monts, Pháp) vừa được Bộ Y tế ký quyết định phê duyệt có điều kiện tại Việt Nam.

Quyết định phê duyệt này kèm theo 9 điều kiện: Đơn vị nhập khẩu phối hợp với Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo tổ chức đánh giá an toàn và hiệu quả của vaccine; phối hợp đơn vị phân phối và sử dụng triển khai theo dõi cảnh giác dược.

Việt Nam phê duyệt có điều kiện vaccine Moderna
Vaccine Covid-19 của Moderna. (Ảnh: AP)

Đồng thời phối hợp với Bộ Y tế triển khai kiểm định vaccine trước khi ra thị trường và quản trị rủi ro trong suốt quá trình vaccine lưu hành tại Việt Nam.

Moderna là vaccine phòng Covid-19 thứ 5 được phê duyệt có điều kiện để sử dụng tại Việt Nam tính từ tháng 2 đến nay. Theo thông tin từ Bộ Y tế, đã có một đơn vị ký hợp đồng nhập khẩu 5 triệu liều Moderna về Việt Nam.

Dịp này, Bộ Y tế cũng cho biết nhóm nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Covivax đã gửi mẫu đánh giá hiệu quả sinh kháng thể sau giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng tại Canada.

* Sáng 29-6, theo tin từ Bộ Y tế, vaccine phòng Covid-19 thứ hai Covivac do Việt Nam sản xuất đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên thử nghiệm lâm sàng trên người.

GS, TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, theo đánh giá sơ bộ, vaccine Covivac ở giai đoạn 1 có tính an toàn tốt, tính sinh miễn dịch khả quan.

Các mẫu thử nghiệm giai đoạn 1 của Covivac đã được gửi sang Canada để một cơ quan độc lập đánh giá tính sinh miễn dịch. Cuối tháng 6 khi có kết quả, Viện Vệ sinh dịch tễ sẽ báo cáo Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học (Hội đồng đạo đức) của Bộ Y tế và xin phép triển khai giai đoạn 2.

Trong giai đoạn 2, ứng viên vaccine Covivac dự kiến sẽ được tiêm thử với cỡ mẫu lớn hơn từ tháng 7-2021 đối với các tình nguyện viên ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Dự kiến giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng Covivac sẽ được thực hiện vào cuối năm nay. Trước đó, sáng 15-3, tại Trường Đại học Y Hà Nội, chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Covivac đã chính thức triển khai tiêm thử nghiệm người tình nguyện.

Đối với Nanocovax – ứng viên vaccine đầu tiên của Việt Nam đang ở trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng được thực hiện trên 13.000 người.

Cuối tuần trước, Hội đồng đạo đức đã nhất trí đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm ứng viên vaccine này với tiến độ tới ngày 15-7 sẽ tiêm xong mũi 1 cho 12.000 tình nguyện viên và tới ngày 15-8 sẽ tiêm xong mũi 2 cho tất cả 13.000 tình nguyện viên.