Thứ năm,  19/09/2024

Việt Nam nên làm gì để ứng phó với biến chủng mới Omicron?

Trước việc xuất hiện biến chủng mới mang tên Omicron, ngành Y tế Việt Nam đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Theo các nhà khoa học, biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu ở Botswana ngày 24-11 là biến thể nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 và được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác (tốc độ lây lan nhanh hơn 500% so với biến chủng Delta)

Tại Việt Nam, đến nay, qua giám sát dịch tễ của virus SARS-CoV-2 hiện chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 với biến chủng mới Omicron.

Tuy nhiên, để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào nước ta từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống biến chủng mới Omicron.

Cụ thể, để ứng phó với biến chủng mới Omicron, Bộ Y tế đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch Covid-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch Covid-19; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gen các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi; đồng thời đã báo cáo và đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay quốc tế đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.

Việt Nam nên làm gì để ứng phó với biến chủng mới Omicron?
 Cần khẩn trương tiêm phòng Covid-19 cho người dân. Ảnh minh họa: TTXVN

Đứng trên góc độ của một Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng: Để phòng sự xâm nhập của chủng mới, nên dừng các chuyến bay đi tới các nước châu Phi đang có dịch, tăng cường kiểm dịch biên giới, cửa khẩu, cần lưu ý có những người ở châu Phi nhưng đi qua nước thứ 2 rồi mới về Việt Nam.

Bên cạnh đó, cần tăng cường xét nghiệm các trường hợp đi từ nước ngoài về, làm các xét nghiệm trong nước, điều tra dịch tễ, giải trình tự gen. Đồng thời, luôn phải nâng cao cảnh giác, hạn chế tụ tập đông người, hoạt động đông người không cần thiết và thực hiện tốt 5K.

Còn theo TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng Khu vực miền Bắc, việc dự phòng và kiểm soát đối với chủng mới là vấn đề mang tính sống còn.

Do đó, trong giai đoạn biến chủng mới chưa xuất hiện, công tác chuẩn bị và phòng ngừa lại phải tăng cường thêm một bậc…Song song với đó, cần định kỳ giải trình tự gen theo tỷ lệ các bệnh nhân nhiễm Covid-19 mới ghi nhận, nhất là các ổ dịch mới phát sinh, ổ dịch có yếu tố lây về từ nước ngoài để không bỏ lọt những chủng virus nguy hiểm.

Liên quan đến vắc xin hiện đã có bằng chứng về việc nhiễm biến chủng mới Omicron trên những người đã tiêm đủ hai mũi vắc xin. Tuy nhiên, khả năng tăng tỷ lệ nặng trên những người đã tiêm đủ mũi vắc xin có hay không thì vẫn phải theo dõi trong thời gian tới.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định: Hiệu quả của vắc xin Covid-19 hiện nay với biến chủng Omicron vẫn cần được nghiên cứu, nhưng việc tiêm vắc xin Covid-19 như hiện nay cần khẩn trương bao phủ càng rộng càng tốt để đảm bảo phòng dịch cho cộng đồng.

Bởi không chỉ với chủng mới Omicron mà hiện nay, Việt Nam vẫn đang đối phó, ngăn chặn lây nhiễm biến chủng Delta. Việc tiêm chủng đầy đủ giúp giảm nguy cơ tăng nặng dẫn đến tử vong với người nhiễm Covid-19.

Thời gian tới,  Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế để thông tin kịp thời về các biến chủng của virus SARS-CoV-2 để đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến tình hình dịch.

Theo Quandoinhandan