Thứ hai,  08/07/2024

Ứng dụng công nghệ thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc

(LSO) – Trước thực trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh dẫn đến nguy cơ kháng thuốc ngày càng cao, đồng thời vẫn còn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường, ngày 25/6/2018, Sở Y tế ban hành Kế hoạch số 69/KH-SYT về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên Nhà thuốc Tâm, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn nhập đơn thuốc trên phần mềm kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc

Lạng Sơn hiện có hơn 400 cơ sở cung ứng thuốc (118 nhà thuốc, 276 quầy thuốc, 6 cơ sở kinh doanh dược liệu…). Tháng 7/2018, Sở Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh. Theo kế hoạch, đến hết năm 2018, 100% số cơ sở cung ứng và kinh doanh thuốc trên địa bàn tham gia kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc.

Để các cơ sở cung ứng thuốc thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT, Sở Y tế đã phối hợp với Viettel Lạng Sơn mở 3 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng và triển khai phần mềm kết nối mạng cho gần 170 cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh. Các cơ sở kinh doanh sau khi được tập huấn được cấp tài khoản và tiến hành liên thông số liệu trên hệ thống phần mềm. Đến nay, đã có 62 cơ sở kết nối mạng, 36 cơ sở thường xuyên cập nhật số liệu. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng và triển khai phần mềm kết nối mạng đến các quầy thuốc và trạm y tế trên địa bàn toàn tỉnh.  Trong tháng 9/2018, Sở Y tế đã tổ chức 3 lớp tập huấn cho 42 nhà thuốc và trạm y tế các xã của 3 huyện: Tràng Đình, Đình Lập, Lộc Bình. Theo kế hoạch, sở sẽ phối hợp với Viettel Lạng Sơn mở thêm 7 lớp tập huấn tại các huyện còn lại.

Việc ứng dụng CNTT, kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các thông tin của thuốc như: nguồn gốc xuất xứ, hạn dùng, cách dùng, liều dùng. Dược sĩ Lý Thanh Tâm, chủ nhà thuốc Tâm, đường Phai Vệ, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nhà thuốc đã ứng dụng CNTT vào quản lý việc nhập hàng, thu chi, danh mục đầu thuốc và có thể kiểm tra bất cứ khi nào ở bất cứ đâu. Việc ứng dụng CNTT vào quản lý thuốc có lợi cho cả nhà thuốc và người dùng bởi có thể kiểm tra chất lượng thuốc, nguồn gốc thuốc, hướng dẫn sử dụng và thời hạn một cách minh bạch, cụ thể.

Đặc biệt, Sở Y tế và cán bộ phụ trách lĩnh vực y tế của văn phòng UBND, HĐND 11 huyện, thành phố sẽ được cấp tài khoản riêng để có thể theo dõi, quản lý việc nhập thuốc, kê đơn, bán thuốc của các cơ sở cung ứng thuốc trên hệ thống. Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Việc xây dựng hệ thống CNTT, thực hiện kết nối mạng toàn quốc đối với các cơ sở cung ứng thuốc là xu thế tất yếu của quá trình ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước nói chung và đối với lĩnh vực y tế nói riêng. Đây là yêu cầu cấp thiết để kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ, giá cả của các loại thuốc; đồng thời hạn chế được tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc trong hoạt động cung ứng thuốc hiện nay.

Ứng dụng CNTT cho các cơ sở cung ứng thuốc chính là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc; cơ quan Nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong quản lý thuốc.

Người dân có thể truy cập vào website: suckhoetoandan.vn , đây là trang thông tin chính thức của Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, cung cấp đầy đủ các thông tin chính thống, kiến thức và hàng loạt các tiện ích để người dân chủ động chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình theo chương trình Sức khỏe Việt Nam. Đặc biệt, người dân có thể tra cứu thông tin về tên thuốc, công dụng của sản phẩm của hơn 50.000 tên thuốc có trong danh mục của Bộ Y tế.
TRIỆU THÀNH