Thứ hai,  08/07/2024

Tự ý truyền dịch: Nguy hiểm khôn lường

LSO-Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có trường hợp phải nhập viện cấp cứu do tự ý truyền dịch. Theo quy định của Bộ Y tế, dịch truyền là thuốc và chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn tự ý truyền dịch mà không nghĩ đến những nguy cơ có thể gặp phải.


Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn kiểm tra tốc độ dịch truyền
cho bệnh nhân

Mỗi khi cơ thể mệt mỏi, đau đầu, chị Vi Thị Nguyệt, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn thường gọi y tá làm việc lưu động đến nhà truyền dịch.

Dựa trên các biểu hiện chị miêu tả, y tá sẽ tư vấn chị truyền các loại dịch, khi thì muối, khi thì đường hoặc vitamin…

Chị Nguyệt cho biết: Sau khi truyền, tôi cảm thấy cơ thể bớt mệt mỏi, thoải mái hơn. Tôi thấy không ảnh hưởng gì nên cũng thường xuyên gọi người truyền dịch vụ đến nhà để bổ sung dưỡng chất.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi được biết trên địa bàn Lạng Sơn, tình trạng người dân tự ý truyền dịch diễn ra tương đối phổ biến.

Nhiều người dù không có bệnh, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh cũng tự ý truyền bổ sung vitamin với mục đích tăng cường sức khỏe, đẹp da… Có người khi mệt mỏi, ho, sốt, đau đầu… lại đến trạm y tế yêu cầu nhân viên y tế truyền dịch hoặc gọi y, bác sĩ hành nghề tự do đến nhà bổ sung các dưỡng chất.


Dịch truyền là thuốc bán theo đơn và việc truyền dịch bắt buộc
phải có chỉ định của bác sĩ

Hỏi mua dịch truyền tại các hiệu thuốc tây trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, chúng tôi dễ dàng mua được các loại dịch bổ sung muối, đường, vitamin với giá chỉ từ 15.000 đến 50.000 đồng/chai dung tích 450 ml.

Khi được hỏi, nhân viên nhà thuốc đều trả lời dịch truyền là thuốc bán theo đơn; tuy nhiên dù không có đơn của bác sỹ, chúng tôi vẫn dễ dàng mua được.

Nhiều người nghĩ rằng cơ thể mệt mỏi là có thể truyền dịch để bổ sung dưỡng chất, giúp cơ thể nhanh khỏi mà không biết rằng không phải trường hợp nào cũng có thể truyền dịch.

Thời gian gần đây trên cả nước liên tiếp xảy ra các trường hợp tử vong sau khi truyền dịch. Cụ thể như ngày 16/10, tại Hà Nội, một bệnh nhi 22 tháng tuổi tử vong sau khi truyền dịch ở một phòng khám tư, hay mới đây, tại Hải Phòng, một bé gái 6 tuổi cũng tử vong sau khi được truyền bù nước điện giải.

Còn tại Lạng Sơn, từ đầu năm 2018 đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh ghi nhận 1 trường hợp cấp cứu do sốc phản vệ khi truyền dịch.

Bác sĩ chuyên khoa II Đặng Huy Du, Trưởng khoa nội I, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Việc truyền dịch vào cơ thể có thể gây ra những biến chứng như phù phổi cấp, suy tim.

Những trường hợp không được phép truyền dịch như: suy thận mãn, suy tim, viêm phế quản mãn, đái tháo đường… mà người bệnh không biết mình bị mắc bệnh và tự ý truyền dịch, truyền không đúng loại có thể gây sốc phản vệ rất nguy hiểm.

Những trường hợp sốc phản vệ công tác cứu chữa là vô cùng khó khăn. Vì vậy, việc truyền dịch phải có chỉ định của bác sĩ, trước khi truyền bệnh nhân phải được khám, kiểm tra chức năng gan, thận, tim, phổi…

Biến chứng nguy hiểm đến tính mạng có thể xảy ra với các trường hợp như: bệnh nhân mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn; thiếu natri mà truyền đường sẽ làm máu loãng gây phù não; thừa natri mà truyền muối quá nhiều làm teo não…

Trường hợp trẻ bị sốt do viêm phổi hay mệt vì bệnh tim thì phải hạn chế truyền dịch; nếu lạm dụng sẽ khiến tim quá tải, không chịu được dịch truyền và gây ra tai biến. Với người cao tuổi, thận yếu, truyền dịch không đúng còn có thể gây phù não, tai biến mạch máu não…

Theo khuyến cáo của bác sĩ, khi truyền dịch phải tuân thủ chỉ định về chủng loại dịch truyền, tốc độ dịch truyền, thời gian truyền, khoảng cách đưa thuốc vào cơ thể và việc truyền dịch chỉ sử dụng trong các trường hợp đặc biệt. Người bệnh nên đến bệnh viện hoặc nơi khám bệnh có uy tín, đủ điều kiện khám, chữa bệnh.

Đối với những bệnh lý thông thường thì người bệnh nên bổ sung các dưỡng chất bằng đường ăn uống. Như vậy, không chỉ giúp cơ thể nhanh chóng khỏi bệnh mà còn tránh được nguy cơ có thể gặp phải khi truyền dịch.

Dịch truyền là loại dung dịch hòa tan chứa nhiều chất khác nhau, có thể dùng để tiêm chậm hoặc truyền trực tiếp vào tĩnh mạch người bệnh. Dịch truyền có nhiều loại tùy theo tác dụng, trong đó phổ biến là loại cung cấp đường, muối và chất điện giải như glucose 5%, 10%; cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng…   

 

TRANG VÂN – THỤC QUYÊN