Thứ hai,  08/07/2024

Tai nạn khi trèo hái hồi: Người dân cần cẩn trọng phòng ngừa

– Đã nhiều năm nay, cứ đến mùa thu hái hồi lại xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động thương tâm. Để phòng ngừa, giải pháp đầu tiên là người dân cần cẩn trọng, có kỹ năng, kinh nghiệm và áp dụng những sáng kiến nhằm đảm bảo an toàn khi trèo hái hồi.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám bệnh nhân chấn thương nặng do bị ngã khi trèo hái hồi

Những ngày qua, không khí tang thương bao trùm căn nhà anh Vi Văn Sơn, sinh năm 1982, thôn Quảng Liên 1, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn. Theo tìm hiểu, chiều 6/9, vợ anh là chị V.T.L, sinh năm 1982 một mình đi hái hồi trong rừng hồi của gia đình. Đến tối không thấy chị về, gia đình gọi điện thoại không liên lạc được, sau đó lên rừng tìm thì thấy chị đã tử vong dưới gốc hồi, trên người vẫn đeo túi nải, hoa hồi vương vãi xung quanh. Được biết, trong quá trình trèo hái hồi, chị bị rơi từ trên cây xuống dẫn tới tử vong.

Không chỉ vụ việc trên, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động khi trèo hồi. Tìm hiểu được biết, từ đầu tháng 8/2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn lao động khi trèo hái hồi, khiến 3 người tử vong và 22 người bị thương, trong đó nhiều nhất là tại huyện Văn Quan, tiếp đến là ở huyện Cao Lộc và huyện Bắc Sơn.

Từ đầu tháng 8/2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 25 vụ tai nạn lao động khi trèo hái hồi, khiến 3 người tử vong và 22 người bị thương, trong đó nhiều nhất là tại huyện Văn Quan, tiếp đến là ở huyện Cao Lộc và huyện Bắc Sơn.

Bác sĩ Lành Thị Quỳnh Nga, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Nhiều năm nay trở lại đây, cứ đến mùa thu hoạch hồi lại xuất hiện nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu, điều trị do bị ngã khi trèo hái hồi. Từ cuối tháng 8/2023 đến nay, bình quân mỗi ngày có từ 1 đến 2 ca nhập viện do bị ngã từ trên cao, trong đó có bệnh nhân ngã do trèo hái hồi, phần lớn bị chấn thương cột sống, sọ não, ngực, vùng bụng… Mặc dù chúng tôi đã xử lý kịp thời nhưng vẫn để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt sau này của người bệnh. Do đó, chúng tôi khuyến cáo người dân phải có biện pháp đảm bảo an toàn khi thu hoạch hồi.

Không chỉ tiếp nhận những ca chấn thương do bị rơi, ngã khi trèo hái hồi, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn tiếp nhận một số bệnh nhân điều trị đau xương khớp do ảnh hưởng từ việc thu hoạch hồi. Bà Lộc Thị Kinh, thôn Bản Sâm, xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc cho biết: Nhà tôi trồng được hơn 1.000 cây hồi, gần 1 tháng nay, gần như ngày nào tôi cũng trèo cây thu hoạch hồi và thấy đau chân trái từ vùng thắt lưng xuống bàn chân. Tôi đã uống thuốc giảm đau nhưng không khỏi nên đã vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám và điều trị.

Theo tìm hiểu, các sự việc liên quan, đặc biệt là rơi, ngã từ trên cây xuống khi trèo hồi có nhiều nguyên nhân. Trong đó, thân, cành cây hồi giòn, dễ gẫy, cây trồng lâu năm bị cỗi nguy cơ gẫy càng cao hơn khi người dân trèo lên. Nguyên nhân nữa là người dân chủ quan, thiếu kinh nghiệm, kỹ năng khi trèo hồi dẫn tới tai nạn lao động. Theo nhiều người dân trồng hồi ở khu vực huyện Chi Lăng, Văn Quan cho biết, khi trèo lên cây bà con cần quan sát kỹ thân cây và cành, cần kiểm tra xem cành đó có chắc chắn không, không nên cố với hái ở những cành nhỏ, cành ở xa, nếu hái phải có dụng cụ hỗ trợ.

Ngoài ra, một số người dân còn phổ biến kinh nghiệm, sáng kiến đảm bảo an toàn khi thu hái hồi. Anh Hoàng Văn Vũ, thôn Làng Dộc, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng cho biết: Trước đây ở thôn tôi đã xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động khi trèo hái hồi, em gái tôi 3 năm trước do chủ quan nên đã rơi từ cây hồi xuống và bị gẫy chân. Từ đó, gia đình tôi và người dân trong thôn đã nghĩ ra các giải pháp để việc trèo hái hồi được hiệu quả và an toàn. Đơn giản như, đối với cây có nhiều nhánh, chúng tôi thường dùng dây chằng buộc các nhánh lại để khi trèo cây không bị choãi ra gây nguy cơ gãy, đổ khiến người rơi xuống. Hơn nữa là khi hái hồi chúng tôi không đeo túi nải vào người, mà treo túi, giỏ vào cành cây chắc chắc gần đó rồi cho hồi vào, cách làm này sẽ giảm trọng lượng của người dồn vào thân, cành cây. Ngoài ra, chúng tôi còn lấy bạt trải ở phía dưới gốc cây và dùng cây, móc làm rụng hồi xuống, sau đó chỉ việc gom lại mang về…

Thực tế cho thấy, những năm qua, hồi là cây trồng đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân ở nhiều nơi trong tỉnh, thậm chí là nhiều gia đình đã giàu lên từ hồi, nhiều vùng quê đã thay da đổi thịt nhờ hồi. Thế nhưng cũng đã có không ít gia đình gặp phải những sự việc không may từ việc trèo hái hồi, hậu quả rất thương tâm.
Thiết nghĩ, để phòng ngừa những sự việc đáng tiếc xảy ra khi trèo hái hồi thì người dân cần cẩn trọng, không chủ quan dẫn tới sơ sẩy, đặc biệt là chủ động thực hiện các biện pháp, ứng dụng các sáng kiến, trong đó những cách làm trên đây bà con có thể tham khảo, ứng dụng. Thêm vào đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, tổ chức khảo sát, tập hợp những sáng kiến, kinh nghiệm, cách làm an toàn, hiệu quả khi trèo hái hồi để tuyên truyền, phổ biến cho bà con biết, chủ động áp dụng.

HOÀNG HUẤN - NGỌC HIẾU