Thứ sáu,  20/09/2024

Ngành y tế tích cực đẩy lùi bệnh lao

– Với phương châm “phát hiện sớm, điều trị kịp thời, tuyên truyền hiệu quả”, thời gian qua, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống bệnh lao. Qua đó, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan bệnh ra cộng đồng và hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống lao tỉnh, năm 2022, toàn tỉnh có 8.749 người được khám và làm xét nghiệm, tăng 42,09% so với năm 2021; 792 bệnh nhân lao được thu nhận và điều trị; tỷ lệ điều trị thành công đạt 96,28%, tăng 0,91% so với năm 2021; tỷ lệ điều trị bệnh nhân lao kháng thuốc đạt 87,5%, tăng 30,3% so với năm 2021… Với việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh lao trong thời gian qua đã góp phần nâng cao sức khỏe cho người bệnh, giảm gánh nặng với gia đình và hạn chế khả năng lây lan trong cộng đồng. Ông Hoàng Văn Nghệ, xã Trấn Ninh, huyện Văn Quan cho biết: Tôi nhập viện điều trị tại Khoa Lao phổi, Bệnh viện Phổi Lạng Sơn đã được hơn 20 ngày. Trước khi vào viện, thể trạng của tôi rất yếu, người thường xuyên mệt mỏi, mất ngủ, ăn kém, đau vùng ngực. Sau khi vào điều trị, hiện tôi thấy sức khỏe của mình tốt hơn, ngủ ngon và đã tăng cân.

Cán bộ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn khám và điều trị cho bệnh nhân

Ông Nguyễn Thế Toàn, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Có được những thành công trên là nhờ sự cố gắng, nỗ lực của tập thể, cán bộ, nhân viên y tế thực hiện chương trình chống lao. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống lao tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể theo từng tháng, từng quý, từng năm; tăng cường công tác khám sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao ngay từ cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác điều trị và đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.

Trong công tác phòng, chống lao, hoạt động tuyên truyền được Ban Chỉ đạo phòng, chống lao tỉnh chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ, toàn diện. Bên cạnh việc tuyên truyền lồng ghép khi người dân đến khám bệnh, điều trị tại các cơ sở y tế, hoạt động tuyên truyền sẽ được đẩy mạnh vào tháng 3 hằng năm (Ngày thế giới phòng, chống lao 24/3)… Qua đó, nhận thức của người dân về bệnh lao sẽ được nâng cao.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, công tác phát hiện sớm, điều trị các bệnh nhân lao được triển khai có hiệu quả. Bác sĩ Nguyễn Sơn Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, mạng lưới chống lao trên địa bàn được duy trì tại 11 huyện, thành phố và 200 xã, phường, thị trấn. Do bệnh nhân lao được phát hiện chủ yếu bằng phương pháp thụ động (điều trị tại nhà bằng nhiều phương pháp, khi bệnh chuyển nặng mới đến cơ sở y tế khám, xét nghiệm) nên việc triển khai khám sàng lọc ngay tại cơ sở để phát hiện sớm, chủ động các trường hợp mắc lao có ý nghĩa quan trọng trong việc giảm tỷ lệ mắc bệnh lao trong cộng đồng.

Năm 2022, Ban Chỉ đạo phòng, chống lao tỉnh đã chỉ đạo tổ chức khám phát hiện chủ động bệnh lao tại 4 huyện: Chi Lăng, Tràng Định, Đình Lập, Văn Lãng với 2.700 người được khám sàng lọc. Qua đó, đã phát hiện và thu nhận điều trị 135 trường hợp mắc lao. Chiến lược 2X (Xquang – Xpert) cũng được triển khai có hiệu quả trong việc phát hiện tích cực bệnh lao tại các bệnh viện, trung tâm y tế (TTYT) với trên 7.000 người được sàng lọc bằng Xquang, hơn 2.000 mẫu xét nghiệm bằng Xpert. Qua đó, đã phát hiện 10 trường hợp có bằng chứng vi khuẩn học, 36 trường hợp dương tính với xét nghiệm Xpert chẩn đoán lao được nhập nhiệp điều trị.

Song song với phát hiện sớm, công tác điều trị bệnh lao trên địa bàn được thực hiện tốt. Không chỉ ở các bệnh viện tuyến tỉnh, các TTYT các huyện, thành phố cũng thực hiện công tác điều trị theo đúng phác đồ. Bác sĩ Kim Ngọc Thủy, Phó Giám đốc TTYT huyện Hữu Lũng cho biết: Năm 2022, đơn vị đã thực hiện khám, xét nghiệm đờm cho 822 người nghi lao, tăng 15,6% so với năm 2021; thu dung điều trị cho 122 trường hợp mắc lao các thể. Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã thực hiện xét nghiệm đờm nghi lao cho 90 bệnh nhân, thu nhận và điều trị 17 bệnh nhân mắc lao các thể. Bên cạnh công tác chuyên môn, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, tư vấn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị lao tại trung tâm về thuốc điều trị bệnh lao, tác dụng phụ của thuốc; chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người mắc lao để người bệnh có thêm sức khỏe chiến đấu với bệnh tật.

Với những cách làm tích cực, chủ động trong việc tuyên truyền, phát hiện điều trị như thời gian qua cho thấy công tác phòng, chống bệnh lao tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã có kết quả tích cực. Phát huy các cách làm này, tin tưởng rằng, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan, đặc biệt là ngành y tế sẽ từng bước hạn chế nguồn lây của bệnh lao trong cộng đồng, tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035 trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Mục tiêu chương trình chống lao tỉnh Lạng Sơn năm 2023 là: giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ nhiễm lao trong cộng đồng; tăng tỷ lệ điều trị thành công; giảm tỷ lệ tử vong, bệnh tật và cải thiện chất lượng cuộc sống ở người bệnh HIV/lao. Cụ thể, tỷ lệ điều trị thành công số ca bệnh lao đạt trên 85%; tỷ lệ điều trị thành công (khỏi và hoàn thành) bệnh nhân lao kháng thuốc là trên 80%; 92% người bệnh lao/HIV được điều trị cả lao và ARV…

TRIỆU THÀNH